Chúng tôi trở lại xã Phước Vinh vài ngày sau khi cơn lũ đi qua, bà con nông dân ở đây đang tập trung ra đồng khẩn trương thu hoạch số hoa màu còn sót lại hoặc cải tạo đất khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ. Đồng chí Nguyễn Mông, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết : Theo thống kê ban đầu, toàn xã có trên 200 ha hoa màu bị hư hại gần như mất trắng. Trong đó, nhiều nhất là diện tích bắp nhân giống với khoảng 150 ha, còn lại chủ yếu là các loại hoa màu bà con trồng để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, như: sú lơ, hành ta, dưa hấu.
Nông dân xã Phước Sơn tập trung chăm sóc hoa màu sau lũ.
Phước An 1 là một trong 2 thôn bị thiệt hại hoa màu nặng nhất của xã Phước Vinh. Đặc biệt, 120 ha bắp nhân giống của bà con vừa xuống giống thì bị ngập úng. Hiện bà con đang tập trung cải tạo lại đất để gieo giống mới. Chúng tôi gặp gia đình chị Huỳnh Thị Chi khi cả nhà đang tập trung dọn cỏ, cải tạo lại gần 1 ha trồng bắp nhân giống vừa bị ngập làm hư hại, chị cho biết, ngoài bắp thì gia đình còn đầu tư trồng 7 sào hành ta, 2 sào sú lơ chỉ khoảng 20 ngày nữa là có thể cho thu hoạch ước tính trên 200 triệu đồng, nhưng giờ… gần như mất trắng. “Toàn bộ số vốn gần 50 triệu đồng thuê làm đất, mua giống, phân bón gia đình đều vay ngân hàng. Nay không may bị lũ tàn phá, rất mong ngân hàng gia hạn và tạo điều kiện cho vay thêm vốn để nông dân chúng tôi có thể tái sản xuất, ổn định cuộc sống” – Chị Huỳnh Thị Chi bày tỏ.
Hơn 7 sào dưa hấu đã được 20 ngày tuổi của anh Lê Thanh Phong, thôn Phước An 1 cũng đã bị mất trắng sau lũ. Gia đình anh hùn vốn cùng hàng xóm đầu tư gần 20 triệu đồng để trồng 7 sào dưa hấu. Nếu thời tiết thuận lợi thì dưa có thể bán phục vụ thị trường trước Tết Nguyên đán. Nhưng giờ, ruộng dưa chỉ còn là bãi đất trống, anh khẩn trương cải tạo lại đất để tìm cách đầu tư sản xuất lại giống cây trồng khác. Do thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, những ngày sau lũ trời lại mưa liên tục gây khó khăn cho việc cải tạo lại đất và chọn giống cây trồng phù hợp. Vì vậy, anh Phong cũng như nhiều hộ dân ở Phước Vinh mong muốn, chính quyền địa phương quan tâm, cử cán bộ nông nghiệp xuống hướng dẫn, tư vấn cho bà con quy trình làm đất và chọn các loại giống cây trồng ngắn ngày thích hợp. Riêng với các hộ trồng bắp nhân giống, hy vọng sẽ được hỗ trợ lại giống miễn phí để tái sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Mông cho biết: Đối với những diện tích trồng bắp nhân giống, UBND xã đang liên hệ với các công ty để đề nghị họ hỗ trợ lại giống, giúp bà con phần nào hạn chế được chi phí do thiệt hại mưa lũ gây ra. Xã cũng đã động viên bà con ra đồng chăm sóc các loại cây trồng khác, những diện tích hoa màu ngắn hạn bị thiệt hại nặng, khẩn trương làm đất gieo trồng lại để kịp cho thu hoạch bán vào dịp Tết này.
Mưa, lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vừa qua cũng làm nhiều diện tích nho, táo của bà con bị hư hại. Nặng nhất là táo và nho đang ra bông hoặc đang cho thu bị gãy cành, vàng trái, nứt và dễ nhiễm sâu bệnh. Ở xã Phước Hậu, hơn 87 ha hoa màu, trong đó có 8,1 ha nho và 19,6 ha táo (chiếm khoảng 50% diện tích nho, táo của toàn xã) bị nước ngập hoặc gió làm gãy cành, rụng trái.
Đi dọc trên đường từ xã Phước Hậu qua Phước Sơn, chúng tôi cũng gặp nhiều ruộng bắp, sú lơ của bà con bị nước lũ ngập làm hư hại. Đặc biệt, trên địa bàn xã Phước Sơn, nhiều giàn bí đao xanh đang cho trái bị đổ sập. Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo cho các địa phương khẩn trương thống kê, lập danh sách cụ thể số diện tích và đánh giá mức độ thiệt hại của hoa màu để huyện có phương án hoặc đề nghị cấp trên hỗ trợ, trong đó, sẽ đặc biệt quan tâm giúp bà con sớm ổn định các mô hình sản xuất, như: lúa giống, bắp lai giống…
Những ngày này, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Ninh Phước đang tập trung ra đồng chăm sóc, bảo vệ số hoa màu còn lại hoặc cải tạo đất để gieo trồng giống mới với hy vọng mùa sau sẽ được bội thu.
Mỹ Dung - Bích Thủy