Giải tỏa cơn khát điện cho dân
Vov.vn dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Đây là dự án có tính phức tạp với vốn đầu tư gần 2.336 tỷ đồng, lần đần tiên được triển khai tại Việt Nam. Trong đó, phần Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc có chiều dài 58km, sử dụng cáp ngầm 3 lõi, do nhà thầu EPC là Prysmian Powerlink SRL (Italy) thực hiện.
Theo cam kết của nhà thầu, công tác lắp đặt phần cáp ngầm dưới đáy biển và đấu nối sẽ hoàn thành vào ngày 13/01/2014. Dự kiến, có thể đóng điện vào dịp Tết Nguyên đán 2014 đảm bảo cung cấp điện ổn định cho Phú Quốc.
Khi dự án hoàn thành, người dân Phú Quốc cũng sẽ chỉ phải trả giá điện bằng với giá điện ở đất liền, bằng 1/3 so với mức giá đang phải mua từ nhà máy diesel Phú Quốc. Bên cạnh đó, ngành điện cũng sẽ tiết kiệm mỗi năm cả trăm tỷ đồng bù lỗ do phát điện bằng dầu ở Phú Quốc.
Hiện nay, huyện đảo Phú Quốc vẫn còn 4 xã chưa có điện lưới. Toàn huyện mới chỉ có 88% số hộ dân được sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ do ngành điện quản lý, còn lại bà con tự chung nhau mua máy phát điện. Dù chỉ dám thắp đèn đến 21h nhưng cũng đã phải trả chi phí trung bình từ 600.000-800.000 đồng/tháng/hộ dân.
Khi biết có dự án điện lưới quốc gia sắp về Phú Quốc, người dân rất phấn khởi bởi không bao lâu nữa họ sẽ được thỏa "cơn khát điện” từ nhiều năm nay. Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Bãi Thơm cho biết sẽ mua các loại đồ dùng điện tử như máy giặt, ti vi, tủ lạnh để dùng khi có lưới điện quốc gia. Đây là những đồ dùng gia đình chị chưa hề nghĩ tới khi đang phải dùng điện với giá từ 20.000-25.000 đồng/kWh.
Sức bật mới cho Đảo Ngọc
Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định: "Dự án Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh quốc phòng".
Theo quy hoạch, 10 năm tới đảo du lịch Phú Quốc sẽ đón từ 2-3 triệu lượt khách mỗi năm. Nhu cầu tiêu thụ điện do vậy sẽ tăng nhanh. Hiện chi phí giá điện chiếm tới 40-42% giá phòng. Ông Phạm Xuân Hải, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn-Phú Quốc, cho biết: Với quy mô khách sạn 98 phòng, hằng tháng Công ty mất khoảng 1 tỷ đồng tiền điện. Điều này đã làm hạn chế rất lớn đến việc phát triển, mở rộng các cơ sở du lịch, dịch vụ.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho hay: Nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án trên huyện đảo, nhất là lĩnh vực du lịch, luôn cần nguồn điện ổn định. Việc thường xuyên thiếu điện đã gây trở ngại rất lớn, làm chậm tiến độ thi công công trình. Vì vậy, khi có nguồn điện ổn định, huyện sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn; các khách sạn khu nghỉ dưỡng có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Hiện một số nhà đầu tư đã có chủ trương chờ có điện để đẩy mạnh đầu tư mở rộng phòng ốc, thu hút khách du lịch đến với Phú Quốc.
Theo ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, khi dự án hoàn thành, dòng điện từ lưới điện quốc gia sẽ được lan tỏa ra Phú Quốc, đây là một cú hích quan trọng và không thể thiếu để Phú Quốc cất cánh cũng như làm cho Phú Quốc sẽ càng gần hơn với đất liền, thực sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách.
Dự án còn góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường cho huyện đảo, nâng cao sức cạnh tranh đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của đất nước… Đây không chỉ là niềm vui của người dân mà còn là tin tốt cho các nhà đầu tư vào Phú Quốc, ông Thi khẳng định.
Nguồn Chinhphu.vn