Học sinh tham gia diệt bọ gậy

(NTO) Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 280 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng 55% so với cùng kỳ, không có ca tử vong, nhưng có 46 ca nặng và 55 ca cảnh báo.

Mùa mưa đang đến, muỗi vằn sẽ phát triển, nguy cơ bệnh SXH tăng cao. Muỗi vằn sống trong nhà và quanh nhà, là vật trung gian truyền bệnh.

SXH hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và lại có những diễn biến nguy hiểm khó lường. Do đó để chủ động phòng, chống SXH thì không để muỗi vằn chích người và không cho muỗi vằn phát triển vẫn là biện pháp cần thiết nhất.

Không cho muỗi vằn phát triển là biện pháp chủ lực, trong đó cần diệt bọ gậy (lăng quăng) không để chúng phát triển thành muỗi.

Từ kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng, chống SXH, sự tham gia của các em học sinh diệt bọ gậy tại nhà theo hướng dẫn của các thầy, cô giáo đã góp phần đáng kể trong việc phòng bệnh SXH cho cộng đồng. Vì bệnh SXH có thể xảy ra cho mọi người, nhưng đa số bệnh nhân SXH là trẻ em và tuổi học sinh vì học sinh thường mặc quần áo ngắn, hay thức đêm học bài nên dễ bị muỗi chích. Tuổi càng lớn mắc bệnh SXH càng nặng. Diệt bọ gậy là việc cần được thực hiện đồng bộ nhiều nơi và trong khoảng thời gian liên tục nhất định thì mới có hiệu quả, làm riêng lẽ từng nhà hiệu quả rất thấp. Học sinh là lực lượng rất đông, dễ huy động, việc các em cùng diệt bọ gậy đồng bộ trong một khu vực sẽ làm tăng hiệu quả giảm muỗi vằn rõ rệt.

- Qua thực hành diệt bọ gậy sẽ giúp các em nhìn sự việc thực tế hơn; đồng thời nâng cao ý thức phòng bệnh SXH cho mình. Ngoài ra, thầy, cô giáo cần giáo dục thực tế cho các em biết thực hiện vệ sinh môi trường (không xã rác bừa bãi, thu dọn rác thải)…

Các em hãy giúp cha mẹ dọn dẹp những vật chứa nước không dùng đến, các nơi đọng nước, các vật thải quanh nhà có thể chứa nước mưa (sinh lăng quăng); cọ xúc các vật chứa nước dùng, lọ cắm hoa (2 lần/tuần); đổ muối vào các chén nước kê chân tủ đựng thức ăn, thả cá vào các ao hồ quanh nhà…