Ninh Thuận: Tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở những địa bàn khó khăn

(NTO) Những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dân số-KHHGĐ cho người dân, gắn với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS).

Nhất là các đợt chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” đã tạo cơ hội để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở những địa bàn khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng.

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bác Ái được tư vấn SKSS tại trạm y tế.

Bác sĩ Trương Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: Mục tiêu của Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ là cung cấp các gói dịch vụ KHHGĐ và gói dịch vụ chống viêm nhiễm đường sinh sản cho đối tượng phụ nữ tuổi từ 15-49 ở những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện y tế còn nhiều hạn chế. Từ mục tiêu đó mà hằng năm, chiến dịch đều đặn triển khai về 5 huyện là Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Phước và Bác Ái; phấn đấu cung cấp dịch vụ cho trên 80% đối tượng nằm trong vùng thụ hưởng.

Trong mỗi đợt chiến dịch, để vận động phụ nữ tham gia thực hiện các gói dịch vụ, ngoài việc đưa tin, bài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh tại các địa bàn thụ hưởng, Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tổ chức nhiều buổi truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về những vấn đề dân số, SKSS, các nội dung về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Đội chăm sóc SKSS lưu động từ tỉnh đến huyện, trạm y tế các xã triển khai chiến dịch tăng cường giới thiệu các gói dịch vụ như khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung, gói dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và gói dịch vụ siêu âm phát hiện khiếm khuyết thai nhi cho bà mẹ mang thai. Cùng với đó, cộng tác viên ở các thôn thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải thích cho người dân hiểu về ý nghĩa của việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Việc cấp phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu cũng được các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, tạo hiệu ứng tuyên truyền rõ rệt, nhất là ở những xã có tỷ lệ sinh cao và vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm nay, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được thực hiện tại 24 xã đặc thù có mức sinh cao và khó khăn với mục tiêu là phổ cập kiến thức và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho 25.971 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của các địa phương. Để triển khai thực hiện chiến dịch có hiệu quả, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, cán bộ các trạm y tế trên cơ sở nguồn lực và chức năng nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ theo nội dung, yêu cầu của chiến dịch đề ra; đồng thời giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật các dịch vụ được cung cấp trong chiến dịch. Kết thúc chiến dịch, toàn tỉnh đã tổ chức 74 buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp hơn 13.000 lượt người; cấp phát 26.000 tờ rơi; 100% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở địa bàn chiến dịch được tuyên truyền, tư vấn về dân số-KHHGĐ; trên 85% đối tượng có nhu cầu được cung cấp biện pháp tránh thai phù hợp; 6.289 phụ nữ được khám phụ khoa và 4.408 người được điều trị; 100% bà mẹ mang thai được khám thai và xét nghiệm viêm gan B.

Bác sĩ Trương Văn Thọ khẳng định: Trước những khó khăn về nhận thức của người dân đối với công tác dân số, thì việc tăng cường tuyên truyền, vận động và giáo dục về chăm sóc SKSS/KHHGĐ được xác định là giải pháp hàng đầu để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu dân số theo kế hoạch hàng năm. Điều đáng nói là qua mỗi đợt thực hiện Chiến dịch “Tăng cường cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” đã làm thay đổi rõ nét nhận thức, hành vi về SKSS/KHHGĐ trong cộng đồng. Tại những địa bàn miền núi, phụ nữ người dân tộc thiểu số được hưởng dịch vụ chăm sóc SKSS miễn phí, được tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh. Ngoài ra, chiến sịch còn hướng tới vấn đề tư vấn về giới và chăm sóc SKSS vị thành niên-thanh niên... Điều này đã cải thiện tình trạng tai biến sản nhi và góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.