Cảnh báo mới về mức độ ô nhiễm môi trường biển

Các nhà khoa học Nga và Mỹ sau một cuộc điều tra chung về động vật ở Thái Bình Dương đã phát đi cảnh báo: Chế độ ăn của sinh vật biển đã thay đổi, tôm cá bắt đầu phải hấp thụ các vi hạt vật chất hầu như không tiêu hóa được từ nhựa tổng hợp.

Trong một dự án chung, các nhà khoa học từ Viện Hải dương Scripps (California, Mỹ) và Viện Hải dương học Shirshov (Nga) đã nghiên cứu đời sống của các loài động vật ở Thái Bình Dương trong những khu vực ô nhiễm nhất, vùng Bắc Thái Bình Dương hiện nay. Họ khẳng định hệ sinh thái các đại dương đã thay đổi đáng kể.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng thực đơn của loài động vật giáp xác đã hoàn toàn khác. Thông thường, chúng thường ăn sinh vật phù du và ấu trùng nhỏ. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy ít nhất 1/3 số cá thể đó hấp thụ các vi phân tử nhựa lơ lửng trong nước giống như sinh vật phù du. Đó là hành vi bất thường của động vật giáp xác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mực và tôm hùm ăn tạp (còn trước đây, người ta cho rằng chỉ có rùa, cá và gia cầm mới nuốt phân tử nhựa).

Trong số 385 mẫu tôm, cua đánh bắt được, có tới 130 con đã nuốt từ 2-5 phân tử nhựa. Có những con mực phàm ăn đã nuốt tới 30 vi hạt nhựa. Nếu con người ăn phải con mực như vậy sẽ không tránh khỏi ngộ độc.

Sự thay đổi diễn ra trong chế độ ăn uống của động vật giáp xác sẽ ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển khác. Chất dẻo thuộc loại nguyên liệu khó tan hủy. Theo chuỗi thức ăn, quá trình này sẽ đi từ mực, tôm, cua… đến cá lớn rồi động vật biển khác. Và đến một ngày nào đó, trên bàn ăn của chúng ta sẽ có loại hải sản mang… phân tử nhựa độc hại.

Có thể nói con người chính là tác nhân dẫn đến tình trạng này do đã thải rác thải ra đại dương và nạn nhân lại là động vật giáp xác (tôm, hàu, mực, cua). Hậu quả là, nếu ta ăn các hải sản này, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng.

Nguồn chinhphu.vn