Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân
tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Từ Lương
Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (KHKT) Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị-xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và đoàn kết.
Báo cáo tại buổi làm việc, GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cho biết, Liên hiệp luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, nâng cao lập trường chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước và sự gắn bó của đội ngũ trí thức với sự nghiệp của Đảng; đẩy mạnh các hoạt động tôn vinh trí thức, đoàn kết đông đảo đội ngũ trí thức KHCN.
Trong 3 năm qua (2010-2013), đội ngũ trí thức tập hợp trong Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đã tăng từ 1,8 triệu lên 2,3 triệu người. Việc giữ vững ổn định chính trị trong đội ngũ trí thức KHCN luôn được Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, trong thời gian qua đã không để xảy ra những diễn biến phức tạp trong nội bộ trí thức, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị của đất nước.
“Các hoạt động đổi mới của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam thời gian gần đây đã thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam và một lần nữa khẳng định sự quan tâm của đội ngũ trí thức KHCN đối với đời sống chính trị của đất nước”, GS. Đặng Vũ Minh nêu rõ.
Kiến nghị với Chính phủ và MTTQ Việt Nam, GS. Đặng Vũ Minh đề nghị, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nhanh chóng thể cụ thể hóa về mặt Nhà nước Chỉ thị số 42 (năm 2010) của Bộ Chính trị với nội dung tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam.
Với thế mạnh có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, phản biện và giám định xã hội của mình, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam mong muốn được phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với MTTQ Việt Nam nhằm thực hiện tốt vai trò giám sát xã hội của các tổ chức trong MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đề cao vai trò của Liên hiệp Hội với những cách làm sáng tạo đã góp phần tạo ra sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ đông đảo đội ngũ trí thức đang hoạt động trong lĩnh vực KHCN trong và ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cần tiếp tục phát huy tối đa những ý kiến tâm huyết phản biện cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để phát huy sức mạnh trí tuệ tổng hợp của giới khoa học và trí thức.
Trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay, MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam để có những đóng góp phù hợp và tích cực trên cơ sở huy động sức mạnh trí tuệ của các nhà khoa học cả nước.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong thời gian tới, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cần tích cực phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam phản biện các chính sách phát triển lớn của đất nước. Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam phải chủ động đóng góp vào chiến lược phát triển của quốc gia giai đoạn đến năm 2025 trên các lĩnh vực quan trọng của đất nước.
Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cần tăng cường thông tin, trao đổi, phản biện thông qua MTTQ Việt Nam. Theo đó, trong năm 2014, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với MTTQ Việt Nam tổ chức các hội thảo chuyên đề, tọa đàm với các bộ, ngành Trung ương theo các chủ đề khác nhau.
Trước 15/11/2013, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đăng ký các chương trình giám sát xã hội với MTTQ Việt Nam để tổng hợp và thống nhất hành động trong 2 năm 2014-2015.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu từ ngày 25 đến 27 hằng tháng, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam sẽ tập hợp những ý kiến phản biện, đóng góp của giới trí thức với Chính phủ thông qua MTTQ Việt Nam để chuyển tới thành viên Chính phủ tham khảo quan điểm và mong muốn của giới trí thức.
Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam khi thành lập có 15 hội thành viên. Hiện nay, con số đó đã lên đến 134 trong đó có 73 hội ngành toàn quốc và 60 Liên hiệp hội địa phương, 74 hội và tổng hội hoạt động trong phạm vi cả nước, 630 tổ chức KHCN trực thuộc. Trong hệ thống của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam còn có hơn 378 đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ được thành lập theo Nghị định 81; trên 200 tờ báo, tạp chí, báo điện tử, bản tin, đặc san, trang tin điện tử.
Nguồn chinhphu.vn