Thuận Bắc: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

(NTO) Bằng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và sự phối hợp các tổ chức đoàn thể, sau 8 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (CVĐ), đến nay diện mạo 32 thôn trên địa bàn huyện Thuận Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng chí Trần Mạnh Tố, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện, cho biết: Trong 5 nội dung của CVĐ, phong trào “Toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, ổn định đời sống và từng bước phát triển” là nội dung quan trọng, là tiền đề cho việc thực hiện các nội dung tiếp theo nên phong trào này luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Qua phong trào đã khơi dậy truyền thống nhân ái, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều hình thức như: giúp vốn, hỗ trợ vật tư, cây-con giống, ngày công… Các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 134, 135, 167 của Chính phủ góp phần tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao đời sống.

Thôn Suối Giếng, một trong 7 thôn được công nhận “Thôn văn hóa” 3 năm liền của huyện Thuận Bắc.

Với phương châm “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, CVĐ cũng đã huy động nguồn lực toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa và giải quyết có hiệu quả vấn đề xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm bợ, dột nát. Từ năm 2005 đến nay, cùng với ngân sách nhà nước, sự ủng hộ của toàn xã hội, đóng góp của gia đình, dòng họ… toàn huyện đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” trên 6,2 tỷ đồng, xây dựng, sửa chữa 162 căn nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng 737 nhà thuộc Chương trình 167, với số tiền trên 3,7 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 77 nhà tình nghĩa, với tổng trị giá gần 1,4 tỷ đồng… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 43,1% (năm 2005) xuống 18,2 % (năm 2012).

Thông qua công tác vận động của các tổ chức, đoàn thể, việc tổ chức lễ hội trong nhân dân từng bước được thực hiện theo nếp sống văn minh. Phong trào thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ, lễ hội truyền thống được giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa” hàng năm được phát động, bình xét, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời. Nhờ đó tỷ lệ gia đình văn hóa tăng theo các năm: Nếu năm 2006 mới được 67,6% thì đến năm 2012 đã tăng lên 86,1 %. Ngoài ra, qua phát động 29 thôn văn hóa, trong đó 19 thôn được công nhận; 93,4% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 90,6% thôn xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước.

Thông qua CVĐ, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đến nay 100% các xã có trung tâm học tập cộng đồng, 100% trường học có chi hội khuyến học. Mô hình lớp học bán trú dân nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được đến trường học tập. 100% các xã có Trạm Y tế, chương trình DS-KHHGĐ được cụ thể hóa thành tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng trong việc phấn đấu đạt gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ tăng dân số trên địa bàn huyện.

Trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Ủy ban MTTQVN huyện phối hợp với các tổ chức thành viên, chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư. Duy trì hoạt động thường xuyên và hiệu quả của 163 tổ nhân dân tự quản, 32 tổ hòa giải ở cơ sở… nhờ đó các xã trên địa bàn huyện đạt vững mạnh về quốc phòng-an ninh.