Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của Chính phủ trình bày trước Quốc hội lần này đã phản ánh khá sát thực tình hình thực tế.
Ảnh minh họa.
Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”; dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn. Xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức cao, ước cả năm 2013 nhập siêu chỉ khoảng 500 triệu USD; cán cân thương mại cải thiện cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng tạo cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn, tăng dự trữ ngoại tệ, từ đó tỷ giá ổn định khá vững chắc.
Thị trường tài chính ổn định hơn; mặt bằng lãi suất giảm. Trong lúc cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn cố gắng thực hiện tăng lương tối thiểu; miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu ngân sách khoảng 9.470 tỷ đồng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân theo Nghị quyết Quốc hội. Giá một số hàng hóa, dịch vụ công do Nhà nước quản lý từng bước điều chỉnh, hạn chế gây bất lợi cho nền kinh tế.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, năm nay trong những chỉ tiêu Quốc hội đưa ra thì Chính phủ thực hiện được 11 chỉ tiêu. Về cơ bản là đã thực hiện được yêu cầu tổng quát mà Nghị quyết Quốc hội đưa ra cuối năm 2012 cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là “tăng trưởng cao hơn 2012 và lạm phát thấp hơn”. Lạm phát năm trước là 6,81% năm nay 7% là hợp lý. Vì chúng ta biết rằng, đang có một yêu cầu hết sức lớn là điều chỉnh các giá dịch vụ công, một số mặt hàng cơ bản… Nếu không đẩy nhanh thực hiện nguyên lý cơ chế thị trường với các mặt hàng này theo lộ trình thì sau này sẽ rất khó áp dụng nguyên lý điều hành chính sách đối với nền kinh tế.
Ông Ngoạn cho rằng, mục tiêu lạm phát năm 2014 khoảng 7% và tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8% là khả thi, hợp lý. Một số chuyên gia cho rằng, mục tiêu 5,8% là quá tham vọng và sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
“Tôi cho rằng, một mặt chúng ta kiên định ổn định kinh tế vĩ mô cho đó là một giá trị cốt lõi, thành tựu đạt được trong mấy năm qua. Việc ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, tạo nền tảng những năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý 5,7-5,8% năm sau để góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài. Có tốc độ tăng trưởng như vậy thì các DN mới có điều kiện duy trì sản xuất và trong một chừng mực nhất định tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất. Nếu hẹp hơn thì sẽ khó khăn cho DN, dẫn tới khó khăn cho thu ngân sách và ảnh hưởng công ăn, việc làm và dẫn đến nhiều hệ lụy khác nữa” – ông Ngoạn nêu quan điểm của mình.
Về thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, ông Ngoạn cho rằng, trước mắt phải đối phó tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay. Thứ hai thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta cần tái cơ cấu cụ thể hơn, mang lại hiệu quả rõ ràng hơn thì mới nâng cao năng suất lao động; thì mới tránh được tình trạng tăng đầu tư dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, vì nó tăng lạm phát và tăng đầu tư nhiều quá lại gây lãng phí, không hiệu quả. Các mục tiêu này mâu thuẫn nhưng lại đồng bộ, thống nhất.
Đánh giá về những phản ứng nhanh của Chính phủ trong điều hành chính sách, ông Ngoạn cho rằng: Chúng ta có chuyển biến lớn khi ban hành Nghị quyết 11. Đó là sự thay đổi quan điểm, định hướng chính sách đúng đắn. Từ đó đến nay chúng ta đã kiên định quan điểm đó. Tuy nhiên, trong cả quá trình, có từng giai đoạn phát sinh những tình huống mà phải điều chỉnh. Ví dụ như có một số chỉ tiêu chúng ta không thực hiện được theo Nghị quyết 11, sau đó Nghị quyết 02 thì có điều chỉnh để có sự cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng, cân bằng giữa tổng cầu và hiệu quả đầu tư.
Chính phủ đang kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu để thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó có hạ tầng cơ sở và tập trung cho các dự án thiết yếu phục vụ lợi ích quốc gia; đồng thời với đó là tăng tổng cầu, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết tình trạng một số công trình đang dở dang.
Đối với việc phát hành trái phiếu, ông Ngoạn cho rằng, Chính phủ phải tính toán tổng thể nợ quốc gia, nợ công và cho trung và dài hạn. Ở nhiệm kỳ trước khi họp Ủy ban Kinh tế Quốc hội tôi đã kiến nghị yêu cầu chính phủ xây dựng kế hoạch ngân sách trung và dài hạn 5 năm và tính cân đối thu chi từng năm cho từng hạng mục lớn (nội địa bao nhiêu, XNK bao nhiêu, dầu thô, đất đai… và chi thường xuyên, đầu tư…) thì mới quản lý được dòng tiền và dự báo được), đến giờ điều này là cần thiết.
Về giải pháp cho năm 2014, ông Ngoạn cho rằng, Chính phủ nêu khá toàn diện. Tháo gỡ khó khăn cho DN thể hiện rõ trong Nghị quyết 02 thì bây giờ càng được thể hiện rõ. Theo tôi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần thiết.
Mục tiêu của năm 2014 phải gắn liền với 2015
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng cần có những giải pháp đột phá hơn để làm sao tháo gỡ được khó khăn cho nông nghiệp, phải chuyển được nền kinh tế gia công sang sản xuất. Chúng ta phải nghĩ tới sau 2015 khi mở cửa thị trường, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì những bất cập của nền kinh tế hiện nay cần được xử lý triệt để.
Quốc hội mặc dù bàn chính sách cho 2014, không chỉ nghĩ riêng cho năm 2014 mà cần có những chính sách cho phát triển năm 2015. Tôi cũng muốn kiến nghị là những mục tiêu của 2014 phải gắn luôn 2015, có nghĩa là chúng ta gắn với mục tiêu của kế hoạch 2 năm xem 2 năm tới nên làm cái gì.
Nguồn VOV.VN