Ninh Phước: Phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua đối thoại với nhân dân

(NTO) Huyện Ninh Phước có 8 xã, 1 thị trấn, với dân số 128.575 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 33%. Để giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngay từ đầu năm, Huyện ủy Ninh Phước đã chủ trương tăng cường đối thoại với cán bộ và nhân dân trong huyện.

Hoạt động đối thoại được khởi động bằng việc Thường trực Huyện ủy về các xã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như ý kiến, kiến nghị, đề xuất của người dân; trực tiếp nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của chính quyền cơ sở. Quan trọng hơn, ngay tại buổi đối thoại, những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện, được các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện trực tiếp giải đáp cũng như thông tin tình hình chung để nhân dân có sự chia sẻ với khó khăn chung của huyện.

Đại diện người có uy tín trong đồng bào Chăm tham gia
buổi đối thoại với Thường trực Huyện ủy Ninh Phước.

Với cách làm như vậy, tính đến nay, Huyện ủy Ninh Phước đã tổ chức đối thoại trực tiếp tại 9/9 xã, thị trấn và tiếp tục đối thoại với cán bộ, công chức, các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Ông Quảng Đủ, khu phố 12, thị trấn Phước Dân, bày tỏ: Người dân chúng tôi rất đồng tình với việc lãnh đạo tổ chức đối thoại trực tiếp với dân để nghe phản ảnh tình hình đời sống, mặt được và chưa được của chính quyền. Đồng thời trực tiếp nghe lãnh đạo cho biết cách giải quyết. Tôi nghĩ huyện cần duy trì thường xuyên việc đối thoại như vậy với nhân dân và mở rộng nhiều thành phần, đối tượng hơn nữa như hộ nghèo, thanh niên, học sinh-sinh viên...

Qua tham dự một số buổi đối thoại với dân ở huyện Ninh Phước, chúng tôi ghi nhận được không khí cởi mở, dân chủ và thẳng thắn đưa ra ý kiến, kiến nghị của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Những câu hỏi được đưa ra, lần lượt được các ban, ngành, đoàn thể trả lời dứt khoát và thẳng thắn, làm thỏa mãn những thắc mắc của nhân dân. Đơn cử như tại buổi đối thoại với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được ngành chức năng tổng hợp từ việc theo dõi, bám cơ sở và các nguồn tin trong nhân dân. Qua đó, tham mưu, đề xuất cho Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, điều hành, củng cố và nâng cao hiệu quả các mô hình, tổ, đội tự quản về an ninh trật tự ở cơ sở.

Hay như khi đối thoại với các vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, Thường trực Huyện ủy đã tiếp thu, giải quyết kiến nghị, thắc mắc của các vị đại biểu; giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi được lãnh đạo huyện trực tiếp thông tin, các đại biểu sẽ là “cầu nối” tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đúng chủ trương, pháp luật và tích cực tham gia các phong trào như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới; có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thôn, xóm.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước nhìn nhận: Đối thoại là một cơ hội để dân hiểu Đảng, Đảng hiểu dân hơn, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Công tác đối thoại với dân nếu được tổ chức thực hiện tốt sẽ là cầu nối giữa tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân. Từ những lần đối thoại vừa qua, Huyện ủy sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức đối thoại với cán bộ và nhân dân trong huyện, để qua đó, giúp các tầng lớp nhân dân ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình, phát huy tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở cơ sở.