Mỹ Sơn: Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân

(NTO) Xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có 2.410 hộ, sinh sống ở 6 thôn: Mỹ Hiệp, Nha Húi, Tân Mỹ, Phú Thuận, Phú Thạnh, Phú Thủy, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nghề nông. Việc được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông tạo điều kiện cho sản xuất ở địa phương phát triển, qua đó nâng cao đời sống cho người dân.

Toàn xã có diện tích đất tự nhiên 12.870 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 4.500 ha. Thời gian qua, từ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tại địa phương đã hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: thuốc lá quy mô 300 ha, bắp lai 1.000 ha, mía 100 ha, lúa 269 ha.

Triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã Mỹ Sơn đang xúc tiến
thành lập các nhóm đồng sở thích nuôi cừu.

Nhờ sản xuất tập trung nên thuận tiện chăm sóc, bà con đồng loạt sử dụng giống mới hạn chế được sâu bệnh nên năng suất cây trồng đạt cao. Đơn cử như sản xuất 1 ha thuốc lá, hộ trồng lãi trên 60 triệu đồng; cây bắp lai, mía cũng cho thu nhập không kém. Không riêng gì trồng trọt, xã Mỹ Sơn còn có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển các loại gia súc như: bò, dê, cừu. Hiện tổng đàn bò, dê, cừu trên địa bàn khoảng 12.000 con. Định hướng phát triển chăn nuôi ở địa phương là chuyển dần từ chăn thả quảng canh sang bán thâm canh.

Qua phân tích, đánh giá tiềm năng lợi thế, Ban Phát triển xã chọn chuỗi giá trị: bò, cừu, táo, mía. Trao đổi với đồng chí Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết: Trước đây đàn dê ở địa phương phát triển mạnh, nhưng do đây là vật nuôi kén thức ăn, trong khi nơi chăn thả ngày càng bị thu hẹp nên bà con chuyển dần sang nuôi cừu. Hiện tổng đàn cừu ở địa phương gấp 6 lần đàn dê (khoảng 6.000 con). Riêng cây táo mới phát triển gần đây, nhưng qua thực tế sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, cho năng suất cao. Nguyện vọng của nông dân là được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, cung cấp cây, con giống, xây dựng hạ tầng giao thông. Hiện xã đã thành lập được 2 nhóm đồng sở thích nuôi bò ở thôn Mỹ Hiệp và Phú Thạnh, 1 nhóm đồng sở thích trồng táo ở thôn Nha Húi, bình quân mỗi nhóm 20 hộ. Theo kế hoạch, sắp tới sẽ thành lập thêm các nhóm đồng sở thích nuôi cừu và trồng mía.

Đến nay, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đã mở 2 lớp tập huấn chăn nuôi và trồng trọt, sẽ hỗ trợ các nhóm đồng sở thích chăn nuôi con giống vào thời gian tới để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, cừu. Nhìn chung, nhờ tham gia tập huấn nên các thành viên trong nhóm đồng sở thích đã nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nhất là thường xuyên trao đổi thông tin giá cả thị trường, tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm. Về đầu tư kết cấu hạ tầng, Dự án đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng làm đường nội đồng liên thôn Phú Thạnh - Phú Thủy, dài 600m.

Theo kế hoạch, năm 2014 địa phương sẽ mở 20 tập huấn, thành lập thêm các nhóm đồng sở thích trồng bắp giống, mía; đồng thời, làm sân phơi nông sản và đường nội đồng thôn Mỹ Hiệp. Đồng Lê Văn Hà cho biết thêm: Các hợp phần của Dự án Hỗ trợ Tam nông trong năm tới sẽ tập trung triển khai ở thôn Mỹ Hiệp và Nha Húi, vì đây là hai thôn đặc biệt khó khăn, nơi tập trung sinh sống của đồng bào Raglai, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 40%. Triển vọng phát triển sản xuất ở khu vực này rất lớn, nhờ có hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 thuộc công trình thủy lợi hồ Cho Mo đã hoàn thành dẫn nước về tưới cho 1.000 ha. Khi được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt sẽ giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững