Việc kiểm tra phân tích được thực hiện đối với các loại rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả và trên hai loại trái cây trồng phổ biến tại Ninh Thuận là nho, táo. Trong 4 năm, Chi cục BVTV đã lấy tổng số 9.711 mẫu rau, củ, quả tại 5 vùng trồng và các chợ đầu mối của tỉnh để phân tích, kết quả có 455 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng an toàn, chiếm 4,7%. Trong đó, các mẫu vượt ngưỡng an toàn cao như hành lá 13,4%, quế 8,5%, táo 5,8%. Các mẫu vượt ngưỡng phân bố đều ở các chợ đầu mối, ruộng sản xuất theo tập quán nông dân, không áp dụng quy trình sản xuất an toàn.
Phân tích dư lượng thuốc BVTV trên rau tại phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.
Kết quả phân tích cũng cho thấy, tỷ lệ mẫu không an toàn trung bình qua các năm có chiều hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ chênh lệch không đáng kể. Điều đó cho thấy nhận thức của người sản xuất về an toàn vệ sinh thực phẩm tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế. Tình trạng lạm dụng hóa chất, nhất là sử dụng thuốc BVTV không hợp lý, không đúng kỹ thuật và không đảm bảo thời gian cách ly còn phổ biến.
Theo ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, hầu hết các mẫu rau, quả thu thập tại các vườn, mô hình sản xuất theo quy trình an toàn đều có dư lượng thuốc BVTV dưới mức cho phép (an toàn). Do đó, để khắc phục và hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, sức khỏe người tiêu dùng do tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm nói chung và rau, quả nói riêng, người sản xuất rau nên thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, kể cả điều kiện sản xuất và quy trình sản xuất. Trong quá trình sản xuất rau, quả an toàn phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về sử dụng thuốc BVTV, phân bón…Tự kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan chức năng tư vấn, giúp đỡ kiểm tra nội bộ để có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sản xuất.
Về phía người tham gia kinh doanh rau, quả chỉ nên kinh doanh những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm rau, quả trước khi tiêu thụ phải được xử lý, sơ chế, bảo quản theo quy định; phải có bao gói, thùng chứa đảm bảo vệ sinh; trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm phải có các thông tin cần thiết. Nên chọn những địa chỉ có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn. Còn đối với người tiêu dùng, cần lựa chọn mua những sản phẩm rau, củ, quả có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh và nhãn ghi hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Lan Phương