Nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh
Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung trong 8 tháng năm 2013, mức giảm kim ngạch xuất khẩu (XK) của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 13,2 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Nhóm hàng này tiếp tục đối mặt với những khó khăn như nhu cầu thị trường giảm, giá cả trên thị trường thế giới của một số mặt hàng giảm do cung vượt quá cầu, nguồn hàng cho XK giảm đối với một số mặt hàng do đã hết mùa vụ…
Vận chuyển lúa đã sấy khô xuống tàu cho nông dân tại Trung tâm nông sản Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đình Huệ - TTXVN
Trên thực tế, mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam là gạo đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ nước láng giềng. Theo đó, Thái Lan đang tích cực “xả hàng” để giải phóng gạo tồn kho. Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan mới thông báo, nước này đã bán được hơn 10 triệu tấn gạo theo các hợp đồng liên chính phủ. Trước đó, Bộ Thương mại Thái Lan thông báo đã bán được 7,32 triệu tấn gạo cho 7 nước thông qua các hợp đồng liên chính phủ. Những hợp đồng này được ký từ tháng 8/2012. Hơn nữa, Thái Lan đang hoàn tất các cuộc đàm phán bán gạo một số nước ASEAN như: Malaysia, Philippines, Indonesia, Trung Quốc và các nước Trung Đông. Do đó, thị trường XK gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.
Mặt khác, về nhóm thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong năm nay, XK thủy sản liên tục gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp vì khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, hơn nữa nguồn cung nguyên liệu lại không ổn định. Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các hàng rào thương mại như kiện bán phá giá, bị trả lại hàng vì chưa đảm bảo chất lượng.
Ðối với mặt hàng XK chủ lực khác của Việt Nam là cà phê, Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), từ đầu năm, sản lượng cà phê giảm khoảng 20% do biến đổi khí hậu, mất mùa. "Hơn nữa, thời điểm này đang vào cuối vụ, giá cà phê phải tăng nhưng giá trên thị trường thế giới giá lại đang giảm, vào vụ thu hoạch mới nhiều khả năng còn giảm thêm." - ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa nhận định.
Không chạy theo số lượng
Trong thời gian trước mắt, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng: “Riêng với ngành trồng trọt, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nắm rõ số lượng và giá cả của các sản phẩm nông nghiệp là bao nhiêu. Nếu mức giá các mặt hàng này giảm nhưng vẫn giữ được ở mức có lợi cho nông dân thì chúng ta vẫn khuyến khích nông dân trồng, cấy. Còn nếu không có lợi, chúng ta sẽ khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng khác có giá trị cao hơn”.
Về lâu dài: “Chúng ta phải biết dự báo chính xác thị trường và không chạy theo số lượng mà phải tăng cường chất lượng. Nâng cao khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức chống chịu tốt mới thu về được nhiều lợi nhuận”, ông Quảng nói.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam cần xác định lại mục tiêu XK nhiều mặt hàng nông sản, trong đó với mặt hàng gạo, không nên chạy theo số lượng, chỉ ở dừng mức 6 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu ngành trồng lúa theo hướng chuyển sang trồng các loại lúa chất lượng cao, tập trung xây dựng thương hiệu lúa gạo.
Mặt khác, theo các chuyên gia nông nghiệp, ngành trồng trọt cần theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ và nhu cầu thị trường, phối hợp với Hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu để hướng dẫn người nông dân ở các địa phương để định hướng nuôi, trồng các loại cây, con để phù hợp với nhu cầu thị trường và mang lại có giá trị cao hơn.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang rất cần nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất và XK. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, “Chính phủ đã đồng ý gia hạn cho vay tín dụng XK đối với một số mặt hàng nông sản XK, trong đó có cà phê. Quan trọng nhất hiện nay là làm sao có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Viết Vinh Tổng thư ký Vicofa đề xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Hiệp hội các ngành nghề, các doanh nghiệp nắm tình hình sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực để kịp thời đề xuất với Chính phủ có cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất. Đồng thời, Bộ sẽ theo dõi tình hình tiêu thụ và đánh giá cân đối cung cầu các mặt hàng nông lâm thủy sản để tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN