Vì sao các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng ?

(NTO) Theo số liệu khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay ở tỉnh ta có 22 Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp (HTXDVNN), trong đó có 8 HTX hoạt động, sản xuất kinh doanh khá, 6 HTX trung bình, 8 HTX yếu. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các HTX hoạt động “cầm chừng” là do thiếu vốn.

HTXDVNN Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) là một trong số ít HTX “ăn nên làm ra” nhờ “mạnh” về đồng vốn, khoảng 2 tỷ đồng. Tuy vậy, theo anh Thuận Văn Tài, Chủ nhiệm HTX, để đáp ứng khâu làm đất, thu hoạch 600 ha lúa và 20 ha màu mỗi vụ, HTX cần thêm 5 máy gặt, 10 máy cày tay và 5 xe tải vận chuyển vật tư nông nghiệp, nhưng lại thiếu vốn đầu tư. Các HTX khác còn khó khăn hơn nhiều khi vốn hoạt động không vượt quá 1 tỷ đồng, thậm chí nhiều HTX vốn chỉ có khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng như HTX Phước Tiến (xã Phước Tiến, Bác Ái). Vì thiếu vốn, nên các HTX không thể mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, chủ yếu chỉ có đảm nhiệm khâu cung cấp giống, phân bón, nạo vét kênh mương. Những dịch vụ đưa lại nguồn thu lớn như cày đất, thu hoạch nông sản do không có vốn đầu tư mua máy móc, nên các HTX chỉ làm trung gian đứng ra thu tiền của xã viên cho các tư nhân, chỉ nhận 5% tiền hoa hồng.

Hợp tác xã DVNN Hữu Đức đầu tư mua máy gặt đập liên hợp phục vụ khâu thu hoạch lúa cho xã viên.
Ảnh: Duy Anh

Để tạo điều kiện cho các HTX phát triển, hằng năm UBND tỉnh đã trích từ nguồn vốn Chương trình 120 của Chính phủ về giải quyết việc làm giao cho các sở, ngành, địa phương xem xét cho các HTX vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh giải quyết cho các HTX vay vốn bằng hình thức tín chấp, thế chấp, bảo lãnh. Đến nay, có 12 HTX được vay từ các tổ chức tín dụng, với số tiền 2.500 triệu đồng. Tuy vậy, có một số HTX do tổ chức kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến nợ quá hạn kéo dài, khiến cho các tổ chức tín dụng mất niềm tin. Đơn cử như ở huyện Ninh Phước, Ngân hành Chính sách Xã hội huyện đã đầu tư cho hầu hết các HTX trên địa bàn vay vốn. Theo báo cáo, đến ngày 31-7-2013, tổng dư nợ cho vay qua HTX là 1.238 triệu đồng/8 HTX; trong đó, nợ quá hạn là 580 triệu đồng, chiếm 46,8%. Bà Hồ Thị Kiều Chinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ninh Phước, cho biết: Qua cho vay, thì HTX Hữu Đức trả nợ, trả lãi đúng quy định, còn nhiều HTX khác không thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng vay vốn.Hiện nay, có một số HTX như Phước Thiện (Phước Sơn), Hoài Nhơn (Phước Hậu), Mông Nhuận (Phước Hữu) quá hạn vay nhưng chưa thu hồi được. Đặc biệt, khó khăn nhất là HTX Mông Nhuận sau khi vay vốn xảy ra vụ việc Ban quản trị cũ thâm hụt quỹ bị kỷ luật, Ban quản trị mới lên thay không chấp nhận số nợ làm cho việc thu hồi nợ của ngân hàng gặp quá khó khăn. Bên cạnh đó, hiện tại còn một số HTX nợ đến hạn nhưng có nguy cơ chuyển nợ quá hạn vì làm ăn không hiệu quả như HTX Vạn Phước (Phước Thuận). Cũng theo bà Hồ Thị Kiều Chinh, vì việc thu hồi nợ ở các HTX khó khăn, cho nên thời gian tới ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với những HTX chứng minh được phương án kinh doanh có hiệu quả.

Hợp tác xã DVNN Hậu Sanh (Phước Hữu) cần vốn để đầu tư mở rộng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Như vậy, việc các HTX khó tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay không phải do không có tài sản thế chấp mà là vì làm ăn kém hiệu quả. Theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì ngân hàng sẽ cho các tổ chức kinh tế tập thể vay không cần thế chấp tài sản, với số vốn tối đa là 500 triệu đồng, kèm theo điều kiện các HTX phải đưa ra được phương án kinh doanh khả thi, đảm bảo được các tiêu chí về tư cách pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường và khả năng hoàn trả vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay trình độ quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ HTX còn thấp, thiếu nhạy bén trong nắm bắt thị trường, các phương án kinh doanh của HTX chưa thuyết phục được các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Điều này thể hiện rõ ở chỗ, trong số 378 cán bộ HTXDVNN hiện nay chỉ có 8 người có trình độ đại học, 15 người trung cấp, số còn lại chưa qua đào tạo. Đó là chưa kể đến rất nhiều cán bộ HTX tuổi đã cao, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Hạn chế là vậy, nhưng để tìm được người quản lý giỏi rất khó, vì mức thu nhập của cán bộ HTX hiện nay chưa thu hút được người lao động có trình độ.

Trong hoàn cảnh đó, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các HTXDVNN, thiết nghĩ bên cạnh có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì cần thiết phải đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX.