|
Bác sĩ Phan Thị Lai Phó Giám đốc Sở Y tế |
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh SXH diễn biến ở tỉnh ta như thế nào?
- Bác sĩ Phan Thị Lai: So với khu vực miền Trung, tỷ lệ mắc bệnh SXH ở tỉnh ta vào loại thấp và chưa có ca tử vong. Qua ghi nhận của ngành, tính đến ngày 24-9, toàn tỉnh có 253 ca mắc bệnh SXH, tăng 88,8% so cùng kỳ năm 2012. Các ca bệnh xuất hiện ở 6 huyện, thành phố với 36 ổ dịch nhỏ; riêng huyện Bác Ái chưa ghi nhận ca mắc nào. Trong đó, nổi lên là địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm có 21 ổ dịch nhỏ với 111 ca mắc, tiếp đó là Thuận Nam 58 ca, Ninh Sơn 31 ca, Ninh Hải 26 ca, Ninh Phước 20 ca và Thuận Bắc 7 ca.
Vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh SXH tại các địa phương có ca bệnh. Kết quả kiểm tra, giám sát tại các xã, phường có ổ dịch cho thấy, tỷ lệ ổ bọ gậy (lăng quăng) có ở hộ gia đình và tỷ lệ dụng cụ chứa nước có ổ bọ gậy đều vượt ngưỡng cho phép. Một số xã, thị trấn còn thiếu chủ động trong chỉ đạo cũng như phối hợp với ngành Y tế phòng, chống bệnh. Người dân tuy có nhận thức về phòng bệnh SXH nhưng chưa thật sự “đến nơi đến chốn”. Do đó chỉ quan tâm đến các dụng cụ chứa nước sinh hoạt mà quên đi việc thường xuyên thu gom các hộp, lọ chứa nước mưa, tạo điều kiện cho ổ bọ gậy phát triển thành muỗi truyền bệnh SXH trong gia đình.
Theo dự báo của ngành Y tế, bệnh SXH lưu hành ở tỉnh ta sẽ còn tăng cao khi mùa mưa đến và nguy cơ bùng phát dịch là khó tránh khỏi nếu không chủ động thực hiện các biện pháp xử lý, khống chế bệnh.
Phóng viên: Như vậy, ngành Y tế đã triển khai những biện pháp gì khống chế bệnh SXH?
- Bác sĩ Phan Thị Lai: Từ kết quả kiểm tra thực tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch triệt để trong thời gian tới nhằm ngăn chặn sự lây lan, bùng phát dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống SXH, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất cho công tác xử lý bệnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cử Đội Y tế Dự phòng về các địa phương phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch SXH. Cơ sở y tế các tuyến tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng nắm vững và xử lý triệt để các ổ dịch theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với công tác điều trị, ngành Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh quản lý, thu dung và điều trị kịp thời bệnh nhân SXH; kiện toàn hệ thống giám sát ca bệnh đảm bảo phát hiện sớm bệnh nhân và ổ dịch nhỏ tại cộng đồng; nâng cao chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở điều trị công lập và tư nhân để hạn chế tử vong.
Tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền về bệnh SXH, nhằm giúp người dân hiểu và tham gia công tác phòng, chống bệnh; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình bệnh trên địa bàn; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy (lăng quăng). Ngày 27-9, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm “tiên phong” tổ chức chiến dịch ra quân diệt bọ gậy, với khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có bệnh SXH” bằng cách vận động từng hộ gia đình thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thu dọn dụng cụ có chứa bọ gậy, với mong muốn thông qua chiến dịch sẽ tạo sức lan tỏa trong nhân dân về chủ động phòng, chống bệnh SXH.
Diễm My (thực hiện)