Cô giáo Hồ Phan Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết, khoảng 10 ngày trở lại đây, ở trường bắt đầu xuất hiện một số cháu bị đau mắt đỏ và nhanh chóng lây lan. Hiện trường có 15 cháu và 2 giáo viên đang phải nghỉ lên lớp để điều trị. Là môi trường giáo dục tập trung đông trẻ, các lớp đều tổ chức cho trẻ ở bán trú tại trường nên nhà trường đã quán triệt đến tất cả giáo viên tăng cường việc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là các dụng cụ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Nhà trường cũng tích cực tuyên truyền, thông tin tới phụ huynh cách phòng tránh, điều trị. Khi phát hiện đau mắt đỏ, phụ huynh đều cho các cháu nghỉ ở nhà từ 5-7 ngày.
Không chỉ trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là trong các trường học, ở lứa tuổi học sinh. Đau mắt đỏ (y học gọi là bệnh viêm kết mạc cấp), tác nhân gây bệnh chủ yếu là do Adenovirut gây nên. Bệnh rất dễ mắc, dễ lây vì vậy, có không ít trường hợp cả lớp học hoặc gia đình cùng mắc phải. Triệu chứng của bệnh là mắt đau dữ dội, cộm, xốn và cảm giác như có cát trong mắt; chảy nước mắt nhiều cộng với ghèn, mí mắt sưng đỏ kèm theo ho, sốt nhẹ và có thể nổi hạch ở sát tai (đối với trẻ em). Theo Bác sỹ Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Chuyên khoa mắt tỉnh, cách phòng bệnh tốt nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và có thể rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Khi mắc bệnh cần nghỉ ngơi, người bệnh cần điều trị cách ly tại nhà từ 5-7 ngày. Người chưa mắc bệnh, cần hạn chế tới mức tối đa tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang và không dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân trong gia đình. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi nhỏ thuốc vào mắt. Trong các nhà trẻ, trường học khi trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ tại nhà để điều trị cách ly từ 5-7 ngày. Có thể điều trị bệnh đau mắt đỏ bằng cách dùng các loại thuốc uống giảm đau, chống viêm; các loại thuốc nhỏ mắt như: Oflovid, Ciloxam, Vigamox, Tobramycin. Bệnh thường khỏi nhanh sau 3-5 ngày điều trị.
Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính và ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động, có một số trường hợp kéo dài và có những biến chứng xấu ảnh hưởng đến thị lực. Vì vậy, mọi người luôn phải có ý thức phòng bệnh, khi mắc bệnh phải điều trị kịp thời, nhất là với lứa tuổi học sinh.
Nhật Quỳnh