Nhiều yếu tố tác động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI tháng 9/2013 tăng 4,63% so với tháng 12/2012. Chỉ số CPI tháng 9 tăng ở 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,04 - 9,38%; trong đó, mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm giáo dục, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Riêng nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm nhẹ. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích: Trong tháng này, giá dịch vụ giáo dục đã được điều chỉnh theo lộ trình thị trường tại một số địa phương, trong đó TP Hồ Chí Minh đã áp dụng mức học phí mới từ ngày 15/8.
Mặc dù có nhiều áp lực, nhưng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 vẫn có thể đạt. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN.
Chia sẻ về lý do CPI tháng 9 tăng cao, Vụ trưởng Vụ Thống kê TCTK Nguyễn Đức Thắng cho rằng, việc nhiều địa phương tăng học phí theo lộ trình là nguyên nhân chính đã tác động đến CPI. Theo đó, có 40 tỉnh, thành phố tăng giá dịch vụ giáo dục các loại; đồng thời, nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tập tăng cao, đưa chỉ số chung của nhóm giáo dục tăng 9,38%, đóng góp 0,54% vào mức tăng chỉ số giá chung cả nước.
Bên cạnh đó là tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giá điện từ ngày 1/8. Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá điện tăng tác động vào CPI chung khoảng 0,12%. Gần đây, một số mặt hàng thiết yếu cũng đã được điều chỉnh giá, như giá gas tăng 2,28% do ảnh hưởng của giá gas thế giới làm cho mỗi bình gas 12 kg tăng thêm 12.000 đồng/bình.
Bảng công bố chỉ số CPI của TCTK cũng nêu: Trong rổ hàng hóa chung, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng 0,65%. Nguyên nhân do ảnh hưởng từ mưa bão liên tiếp xảy ra trong tháng 8/2013 gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, cùng với giá vận chuyển tăng nên giá gạo ở các tỉnh phía Bắc tăng từ 200 - 300 đồng/kg. Không những thế, do trong tháng còn có dịp nghỉ lễ 2/9 kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng tăng và giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng theo như: thịt lợn tăng 1,47%; thịt bò tăng 0,47%; thịt gà tăng 0,86%; thủy hải sản tăng 0,24%. Tuy nhiên với mức giá hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa có lãi, chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất.
Không chủ quan với lạm phát
Sau khi CPI tháng 9 công bố, cũng có một số ý kiến lo ngại vì trước đó, CPI tháng 6/2013 chỉ tăng 0,05%; CPI tháng 7/2013 chỉ tăng 0,27% và CPI tháng 8/2013 tăng 0,83%. Tuy nhiên trao đổi với phóng viên Tin Tức, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) nói: “Mức tăng này không quá lo ngại và mục tiêu lạm phát trong năm nay ở mức 7- 8% vẫn thực hiện được. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên chủ quan trong 3 tháng cuối năm, sức ép giá cả sẽ tăng cao, các yếu tố về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh sẽ khiến cho nguồn cung hàng hóa bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cần đề phòng nguy cơ lạm phát do hiệu ứng từ việc nới lỏng các chính sách tiền tệ, cung tiền tăng”.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù mức tăng CPI của tháng này sẽ gây nhiều khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, tuy nhiên, vẫn có thể đạt được mục tiêu CPI cả năm ở mức khoảng 7%.
Tuy nhiên, CPI trong các tháng gần đây, tháng tới cao hơn tháng trước nên cũng phải hết sức thận trọng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng năm nay ước tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, mức tăng GDP đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước (4,73%) và có sự nhích lên qua từng quý (quý I: 4,89%, quý II: 5%). Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng tốc độ tăng trưởng năm nay khó có khả năng đạt mục tiêu 5,5% được Quốc hội phê duyệt.
Dự báo về sự biến động của chỉ số CPI trong tháng 10, ông Nguyễn Đức Thắng dự báo sẽ không tăng cao do dịch vụ y tế và giáo dục không còn biến động mạnh như tháng 9. Các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế cũng chỉ tăng nhẹ. Dự kiến, CPI trong tháng 10 sẽ tăng nhẹ ở mức 0,5- 0,6% so với tháng 9/2013.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN