Chung quanh ý kiến người dân về sử dụng công tơ điện tử

(NTO) Thực hiện chủ trương của Chính phủ về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ứng dụng công tơ điện tử vào lĩnh vực đo đếm điện năng từ những năm 1995, 1996.

Đến nay, EVN đã hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử cho việc mua bán điện năng ở các khâu phát điện, truyền tải điện. Riêng việc bán buôn, bán lẻ điện, EVN cũng đã lắp đặt công tơ điện tử cho tất cả khách hàng sản xuất, kinh doanh sử dụng điện bình quân 3 tháng liên tục từ 2.000 kwh/tháng trở lên. Việc ứng dụng công tơ điện tử vào đo đếm điện năng đã giúp EVN nâng cao công tác quản lý, cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt hơn và giúp ích cho cả bên mua điện. Từ kết quả trên, các Tổng Công ty Điện lực thuộc EVN, trong đó Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) đã xây dựng và trình EVN chấp thuận cho thực hiện Đề án tổ chức triển khai thí điểm sử dụng công nghệ mới tự động đo ghi chỉ số công tơ điện từ xa.

EVN SPC triển khai đề án thí điểm và đã lắp đặt công tơ điện tử 1 pha Vinasino VSE11 cho 195.662 hộ dân dùng điện sinh hoạt từ tháng 7-2011 đến ngày 30-6-2013 ở khu vực thành phố, thị xã tại 21 tỉnh, thành phố trong phạm vị quản lý.

Công tơ điện tử là thiết bị đo đếm điện năng hiện đại, thông minh, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến như IC đo đếm thông minh, linh kiện chất lượng cao, màn hình LCD.

Công nghệ đo đếm sử dụng công tơ kỹ thuật số, đây là một bước đột phá về công nghệ truyền thông trên lưới điện, sử dụng hệ thống dây điện sẵn có để thu thập và xử lý dữ liệu, 1 Concentrator dùng cho 1.000 công tơ điện, với đầu tư ban đầu rất khiêm tốn, quá trình lắp đặt dễ dàng và nhanh chóng. Dữ liệu từ các thiết bị này được truyền về máy tính trung tâm đặt tại các Công ty Điện lực các huyện, thành phố; với thiết bị thu thập dữ liệu cầm tay (HHU) giúp nhân viên quản lý ngành Điện biết được các thông số từ công tơ điện của hộ dân; đồng thời, thiết bị HHU còn được dùng để lập trình và đọc các số liệu từ các thiết bị tập trung để đưa vào máy tính; với bộ server chứa các phần mềm cần thiết cho quá trình vận hành hệ thống. Nó thu nhận dữ liệu từ các bộ Concentrator tập trung để sử dụng cho các mục đích quản lý của ngành điện.

Tháng 10-2012, Công ty Điện lực Ninh Thuận (công ty ĐLNT) được EVN SPC cho phép triển khai thí điểm lắp đặt công tơ điện tử ở đợt 4 cho Công ty Điện lực của 6 tỉnh còn lại: Lâm Đồng, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang và Ninh Thuận. Đến nay, Công ty ĐLNT đã triển khai thay thế 9.468 công tơ cơ bằng công tơ điện tử 1 pha PLC cho hộ dân thuộc 12 phường của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Ý kiến người dân: Tuy nhiên theo phản ảnh của Tổ đại biểu số 7 HĐND tỉnh (khóa IX) qua tiếp xúc cử tri, phản ánh: “Việc thay đồng hồ điện tử, tất cả các hộ dân đều khẳng định đồng hồ mới không chính xác, tăng nhanh hơn hẳn điện năng tiêu thụ thực tế đến 30% (so sánh với đồng hồ cơ vẫn dùng lâu nay). Không phải một vài hộ mà gần như 100% hộ dân đều phản ứng về việc này. Mặc dù ngày 17-8-2013 Công ty Điện lực Ninh Thuận có công văn số 1651/PCNT-KD trả lời kiến nghị này, nhưng đại đa số hộ dân cho là nội dung giải trình không đúng thực tế.” Thực hiện kiến nghị của Tổ đại biểu số 7, ngày 20-8-2013, các sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ và Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (TĐC) tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Công ty ĐLNT và lãnh đạo UBND 8 phường của Tp.Phan Rang – Tháp Chàm. Các đại biểu thống nhất:

- Không chỉ các hộ dân trong tỉnh mà hầu hết ở 21 tỉnh, thành phố, hộ dân được lắp đặt công tơ điện tử đều có ý kiến công tơ điện tử chạy nhanh hơn công tơ cơ hoặc là trả tiền điện cao hơn. Số hộ dân có ý kiến trong cuộc họp tiếp xúc cử tri hoặc có đơn khiếu nại không nhiều (khoảng 0,3% số hộ được lắp đặt công tơ điện tử).

- Về tính pháp lý: UBND tỉnh đã có công văn số 5162/UBND-KT ngày 31-10-2012 đồng ý cho triển khai lắp đặt thí điểm công tơ điện tử trên địa bàn tỉnh của Công ty ĐLNT; công tơ điện tử xoay chiều 1 pha VSE11 do Công ty Cổ phần Thiết bị điện VINASINO sản xuất đã được Tổng cục Đo lường Chất lượng phê duyệt mẫu phương tiện đo tại Quyết định số 521/QĐ-TĐC ngày 15-4-2011.

- Về tính chính xác: Công tơ điện tử trước khi xuất xưởng đều được kiểm định của nhà sản xuất và trước khi lắp đặt công tơ điện tử đều được Chi cục TĐC tỉnh kiểm định. Kết quả kiểm định 9.468 công tơ điện tử, Chi cục đã loại 3 công tơ không đạt cấp chính xác theo tiêu chuẩn quy định. Để trả lời một cách thuyết phục hơn, trong 2 ngày 27, 28-8-2013, Chi cục TĐC, Sở Công Thương phối hợp với Công ty ĐLNT, UBND 8 phường (Đạo Long, Mỹ Hương, Tấn Tài, Kinh Dinh, Thanh Sơn, Đài Sơn, Mỹ Hải và Mỹ Bình) và có sự chứng kiến của 25 hộ dân có công tơ điện tử (chọn ngẫu nhiên và theo đề xuất của các phường) để tiến hành kiểm định tại chỗ. Kết quả 25 công tơ điện tử đều đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường.

- Về nguyên nhân hộ dân trả tiền điện tăng cao: Chỉ số điện tiêu thụ tăng do tăng thiết bị hoặc thời gian sử dụng nhiều hơn. Tháng 12-2012 và ngày 1-8-2013, Bộ Công Thương có điều chỉnh tăng giá bán điện mà hộ dân không để ý đến; công tơ cũ theo quy định sau 5 năm phải thay mới thì công tơ mới bao giờ cũng chạy nhanh hơn, ngay cả công tơ cơ cùng loại. Đối với công tơ điện tử có cấp chính xác 1, có độ nhạy cao hơn (công tơ cơ cấp chính xác 2). Do vậy, công tơ điện tử đo đếm được điện năng khi hộ dân dùng điện rất nhỏ như đèn ngủ, đèn ở bàn thờ cúng hoặc truyền hình, ổn áp, bộ sạc điện,.. ở trạng thái không sử dụng nhưng không ngắt thiết bị ra khỏi nguồn điện, hoặc đường dây điện trong nhà bị rò điện.

Kết luận: Việc ứng dụng công tơ điện tử sẽ mang lại lợi ích cho hộ dân, như biết được phụ tải thực tế đang sử dụng qua việc đọc các thông số điện áp và dòng điện để có điều chỉnh sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn; cảnh báo an toàn cho hộ dân biết khi thiết bị xảy ra rò điện (đèn LED vàng sáng),.. đồng thời, giúp cho ngành Điện nâng cao năng suất lao động, hạn chế sai sót do yếu tố con người khi ghi chỉ số điện và xây dựng hệ thống giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện.

Để việc ứng dụng công tơ điện tử đạt hiệu quả cao và tạo đồng thuận trong hộ dân, khuyến nghị ngành Điện cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân biết đầy đủ về sử dụng và lợi ích của công tơ điện tử mang lại. Đồng thời giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại của hộ dân đúng quy định.