Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia đang trong vòng đàm phán cuối cùng, dự kiến có thể hoàn thành vào cuối năm nay. Khi tham gia hiệp định này, các thỏa thuận tự do hóa, ưu đãi về thuế suất xuất khẩu sẽ mang lại lợi ích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam và thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở ra, có không ít thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trước áp lực cạnh tranh lớn từ các nước thành viên.
Hiệp định TPP với sự tham gia của 12 quốc gia là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam vừa hoàn tất phiên đàm phán thứ 19 tại Brunei vào ngày 1/9 vừa qua. Khi tham gia Hiệp định, các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi thuế suất của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 10 năm.
12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định TPP.
Đối với Việt Nam, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang các nước thành viên, đặc biệt là 2 cường quốc kinh tế là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Khi Hiệp định có hiệu lực, đây sẽ là một cú hích lớn đối với xuất khẩu, Việt Nam có thể tận dụng để tiếp cận, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như da dày, dệt may, thủy sản, nông sản và đồ gỗ. Đồng thời, đây cũng sẽ là một trong những động lực góp phần phục hồi đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, đây cách duy nhất có thể có quan hệ FTA đối với Hoa Kỳ trước một số nước đang phát triển khác, ở trong khu vực thường xuyên có cạnh tranh với Việt Nam, ví dụ Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan, vì các nước này chưa tham gia đàm phán TPP.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp định Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương còn làm thay đổi thương mại dệt may toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhất là khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 25%-30% trong những năm qua.
Tuy nhiên, thách thức rất lớn với các thành viên tham gia hiệp định, cũng như các doanh nghiệp dệt may trong nước là tiêu chuẩn về lao động và môi trường của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương khá cao. Nếu doanh nghiệp dệt may vi phạm những tiêu chuẩn này có thể bị truy thu thuế ngược lại với những lô hàng đã được miễn thuế.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, để chuẩn bị cho quá trình này, các doanh nghiệp cần tập trung cải thiện giá trị gia tăng trong nước, tăng mức chủ động trong tất cả các khâu, đặc biệt là khâu thiết kế và chủ động nguyên liệu.
“Quá trình đàm phán gia nhập TPP đã được diễn ra trong hàng chục năm qua, kể từ khi Chính phủ chuẩn bị thương lượng song phương FTA với Hoa Kỳ, WTO. Những chuẩn bị này trong nhiều năm đã từng cải thiện giá trị gia tăng của ngành dệt may, từ chỗ chỉ từ 25-30% tỷ lệ nội địa hóa đến nay đã có xấp xỉ 50% nội địa hóa...”, ông Trường nói.
Cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đồng thời với thách thức mở cửa thị trường và áp lực cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế của các doanh nghiệp trong nước.
Tình cảnh thua ngay trên sân nhà sẽ không tránh khỏi nếu như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, không nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.
Để bước vào “sân chơi” này, doanh nghiệp cần phải ý thức được điểm yếu của mình, nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ để tận dụng tối đa lợi ích mà Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương mang lại./.
Nguồn VOV online