Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Những năm trước đây, Bác Ái là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong công tác vận động học sinh ra lớp, đặc biệt là vào đầu mỗi năm học. Bởi khi về nghỉ hè, các em thường theo cha mẹ đi làm rẫy, những em lớn hơn thì đi làm thuê ngoài tỉnh và “quên” luôn cả việc đến trường. Năm học này, tình hình đã có nhiều sự cải thiện đáng kể, theo nhiều thầy cô giáo thì đây là một tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để Bác Ái giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục. Thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết, sau tuần học đầu tiên, tỷ lệ học sinh ra lớp cấp THCS đạt trên 95%, học sinh TH, Mẫu giáo đến trường đạt gần 98%. Riêng một số trường, học sinh ra lớp đã đạt 100% ngay trong tuần lễ sinh hoạt tập thể đầu năm học.
Nữ sinh trường THPT Bác Ái hân hoan ngày tựu trường. Ảnh: Duy Linh
Đồng chí Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết: “Thành công bước đầu này là nhờ sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương”. Ngày tựu trường, lịch sinh hoạt tập thể đầu năm học, ngày học chính thức… đều được thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của các thôn. Ngay sau ngày tựu trường, những học sinh vắng được nhà trường lên danh sách để cùng với Ban quản lý thôn, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đến tận nhà vận động. Những học sinh còn chưa tới lớp chủ yếu rơi vào các trường hợp theo cha mẹ đi làm rẫy xa hoặc đi làm thuê ở các nơi khác.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi, xã Phước Thắng được xem là một trong những đơn vị gặp nhiều khó khăn trong vận động học sinh ra lớp, nhưng đến nay cũng đã đạt tỷ lệ trên 90%. Thầy giáo Lê Trạc Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương nên năm nay các thầy, cô giáo đỡ vất vả hơn, số học sinh chưa tới trường hiện nay chủ yếu là theo cha mẹ lên rẫy, về làng cũ hoặc đi làm thuê ở xa… nhà trường, cùng chính quyền địa phương đang kiên trì thuyết phục, vận động bằng mọi cách đưa các em trở lại lớp.
Học sinh Trường THCS Trương Định, Ninh Phước .Ảnh: Văn Miên
Tấm lòng các thầy, cô giáo
Những ngày này, để vận động học sinh trở lại trường vào năm học mới, các giáo viên của Trường PTDTNT Thuận Bắc cũng phải tìm về tận những thôn xa nhất như: Cầu Gãy, Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), Suối Giếng, Suối Đá, xã Công Hải, xã Phước Chiến, Phước Kháng (Thuận Bắc)… Để vận động được một học sinh trở lại trường, nhiều thầy cô phải lặn lội tìm đến tận nhà hay lên tận rẫy – nơi cha mẹ các em làm việc để tìm gặp. Theo thầy giáo Nguyễn Cứng, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Thuận Bắc, thì học sinh bỏ học hầu hết thường rơi vào những hộ gia đình kinh tế khó khăn, bản thân các em và gia đình chưa ý thức được ý nghĩa của việc học, nhiều em nghỉ học để đi làm thuê được cha mẹ ủng hộ. Chính vì vậy, “cái khéo” của người đi vận động chính là phải làm thế nào cho gia đình hiểu và thấy được lợi ích của việc học. Với kinh nghiệm của một người thường xuyên đi vận động học sinh bỏ học trở lại trường, thầy giáo Cứng chia sẻ thêm: Giáo viên đi vận động học sinh ra lớp cũng như người làm công tác dân vận, phải nói sao cho hợp tình, hợp lý, phải hiểu được tiếng nói, phong tục, tập quán của bà con, tạo được thiện cảm với gia đình thì họ mới nghe theo. Để vận động được một học sinh trở lại trường, có thầy cô ngày nào cũng phải đến nhà, thậm chí là lên rẫy bẻ bắp, làm cỏ cùng phụ huynh.
Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và tấm lòng, nhiệt huyết của các thầy cô giáo, những chính sách hỗ trợ dành cho học sinh dân tộc, miền núi đặc biệt là mô hình trường PTDTBT ra đời cũng đã góp phần giúp công tác vận động học sinh ra lớp thuận lợi hơn, cải thiện tình trạng học sinh bỏ học. Tin rằng, với những thành công bước đầu trong công tác vận động học sinh ra lớp ở các trường trong tỉnh sẽ là tín hiệu vui cho một năm học mới đạt hiệu quả cao.
Bích Thủy