Giáo dục ở chiến khu Bác Ái thời chống Mỹ, cứu nước

(NTO) Trong kháng chiến chống Pháp, ở Bác Ái đã có phong trào thi đua học chữ Quốc ngữ diễn ra nhiều nơi, đêm đêm bên bếp lửa, với phương châm: Người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết, học viên tham gia nhiều lứa tuổi, nhiều giới, từ đó dần dần số đồng bào biết đọc, biết viết ở Bác Ái nhiều lên.

Bước vào giai đoạn chống Mỹ, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, vận động quần chúng, cũng như để nâng cao nhận thức và xây dựng đời sống mới cho đồng bào, sau khi Bác Ái được giải phóng, giữa năm 1960, các đồng chí Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Hoàng, Chamaléa Liệu, Ama Nhiên đã dựa trên bộ chữ Latinh, nghiên cứu, phiên âm xây dựng thành bộ chữ Raglai và mở lớp dạy song ngữ Việt – Raglai đầu tiên cho đội ngũ giáo viên tại xã Phước Tiến, với 30 người tham dự. Từ đây, các tài liệu, chỉ thị phát động quần chúng được viết bằng chữ Raglai như: “Yêu nước thương dân đứng lên làm cách mạng”, “Một lòng một dạ đứng lên giữ đất núi Ông Bà”. Việc tạo ra bộ chữ Raglai và sử dụng vào tuyên truyền các chủ trương của Đảng đến đông đảo quần chúng nhân dân đã tạo hiệu quả rất lớn.

Học sinh huyện Bác Ái ngày nay được học tập trong môi trường giáo dục hiện đại
Ảnh: Sơn Ngọc

Trong năm 1961, Đảng bộ huyện Bác Ái phát động phong trào toàn dân học chữ Cụ Hồ. Tin theo lời cán bộ, đồng bào rủ nhau đi học chữ. Không chỉ thanh niên nam- nữ đi học mà các cụ già 50 – 60 tuổi cũng đi học chữ cách mạng cho khôn người sáng dạ và cứng gan, vững bụng mà đánh Mỹ. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, dụng cụ học tập thiếu thốn, nhưng với phương châm “ba tại chỗ”: giáo viên tại chỗ, học viên tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ; đồng bào đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn thiếu thốn để phát triển phong trào. Chương trình học tập được đan xen giữa chữ Raglai và chữ Quốc ngữ. Không có giấy thì đồng bào dùng mo cau, vạt cây làm bảng, lấy củ mỳ phơi khô làm phấn. Không có dầu thì dùng dầu rái thắp sáng để học chữ. Với tinh thần ham học, cần cù chịu khó của đồng bào kết hợp với lòng nhiệt tình của đội ngũ giáo viên không chuyên do huyện cử ra để dạy chữ cho đồng bào, phong trào học chữ đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Ở Bác Ái Đông tổ chức được 32 lớp ở 22 thôn, với số học viên tham gia là 758 người. Những xã duy trì được phòng trào khá có xã Phước Chính, Phước Nghĩa và Phước Chiến. Còn ở Bác Ái Tây tổ chức được 12 lớp phổ thông và 25 lớp bình dân học vụ, với 1.046 người tham dự. Ngoài ra huyện còn mở lớp đào tạo giáo viên cho xã, thôn với 30 học viên tham gia học tập.

Để từng bước nâng cao trình độ cho cán bộ và con em đồng bào dân tộc, năm 1963, tỉnh điều giáo viên về mở trường bổ túc văn hóa ở xã Phước Thành do đồng chí Lê Văn Tiên làm Hiệu trưởng, năm 1965 trường chuyển lên Bác Ái Tây gọi là Trường Tương Lai. Thời gian này tỉnh còn xây dựng một cơ sở làm giấy tại xã Phước Thắng để phục vụ nhu cầu học tập, in ấn trong chiến khu. Nhờ vậy, nhiều cán bộ trưởng thành, sau này giữ các cương vị chủ chốt của tỉnh, huyện như các đồng chí Chamaléa Điêu, Chamaléa Tiếp…

Có thể nói, những gì đã đạt được về lĩnh vực giáo dục tại Bác Ái thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là mốc son có nhiều ý nghĩa của ngành Giáo dục Ninh Thuận, là công lao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ và đồng bào các dân tộc ở Bác Ái; nhờ đó sau năm 1975, một số “học viên” đã trở thành cán bộ chủ chốt xây dựng quê hương trong hòa bình, độc lập, tự do.