Tấm lòng cô giáo với trẻ em Raglai

(NTO) Có 25 năm theo “nghiệp” nuôi dạy trẻ và tròn 5 năm gắn bó với Trường Mẫu giáo Phước Vinh, xã Phước Vinh (Ninh Phước). Ngần ấy năm cũng là khoảng thời gian cô Nguyễn Thị Dạ Thảo đã tận tâm chuẩn bị “hành trang” cho rất nhiều lớp học sinh bước vào lớp một.

Ngôi trường đầu tiên cô Thảo gắn bó là Trường Mẫu giáo Phước Thiện từ năm 1988. Đến năm 2008, cô về giảng dạy tại cơ sở 2 của Trường Mẫu giáo Phước Vinh, đóng chân trên địa bàn thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh. Thôn có 100% đồng bào Raglai sinh sống, điều kiện kinh tế lúc bấy giờ hết sức khó khăn, ý thức của phụ huynh cho các cháu đến lớp mẫu giáo còn hạn chế; đặc biệt các cháu người địa phương đều chưa biết nói tiếng Việt phổ thông, bản thân cô Thảo cũng chưa am hiểu tiếng nói của người Raglai.

Cô Nguyễn Thị Dạ Thảo.

Trở ngại trăm bề, thế nhưng với niềm yêu nghề mến trẻ, cô Thảo cùng các cô giáo ở trường đã nỗ lực vận động thay đổi nhận thức của phụ huynh và truyền niềm vui đến các bé. Cô Thảo chia sẻ: Năm học đầu tiên, mình phụ trách lớp ghép với 22 cháu, tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Phòng học là trụ sở thôn đã xuống cấp, mình phải mua xi-măng trát lại nền và lắp cửa sổ cho các cháu học được an toàn. Nước sinh hoạt cũng phải xách nhờ nhà dân khá xa. Cô và trò thường cùng nhau đi lấy nước. Nhờ đó, lớp học thêm gắn bó, các em thích đến trường hơn. Cuối năm học, tỷ lệ duy trì sĩ số ở cơ sở 2 đạt trên 95% làm chúng tôi thật sự hạnh phúc!

Niềm yêu trẻ em Raglai nhân lên, mỗi giờ học đều được cô chú trọng từng câu chữ, hình ảnh, bài hát; biến mỗi giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu bằng những tranh ảnh, mô hình do chính cô và đồng nghiệp thiết kế. Ngoài những đồ dùng truyền thống, cô Thảo còn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế những bài giảng trên máy vi tính, tìm những hình ảnh sinh động minh họa, hấp dẫn đối với trẻ; tổ chức các hoạt động để trẻ tự khám phá, tiếp nhận các kiến thức thông qua “học mà chơi, chơi mà học”. Qua đó, phát huy tính tích cực, ham học hỏi và khả năng sáng tạo trong trẻ.

Lớp mẫu giáo có cô Thảo và các cô giáo khác luôn yêu mến trẻ đã giúp phụ huynh tự giác đưa con đến trường ngày một đông hơn sau mỗi năm học. Tỷ lệ duy trì sĩ số có năm đạt 100%. Kết quả đó có được đến từ tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghề của những giáo viên như cô giáo Thảo. Cô Nguyễn Thị Kim Ánh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Vinh tự hào nói: Là một giáo viên nhiều kinh nghiệm, gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; Điều đáng quý ở cô giáo Thảo là tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn để vận dụng vào các tiết học; quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết nuôi dạy trẻ. Vì vậy, cô luôn nhận được tình cảm yêu mến của các em, sự tin yêu của phụ huynh và giáo viên trong trường.