Đến thăm một số trường học trên địa bàn huyện Bác Ái trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh đẹp của các thầy, cô giáo đang công tác nơi đây. Đó là những buổi lao động làm đường, làm đường ống dẫn nước sạch về trường, xây bếp, dựng nhà ăn cho học sinh bán trú hay đến tận nhà, lên rẫy chở học sinh ra lớp. Đồng chí Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các trường đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục để sẵn sàng bước vào năm học mới. Học sinh đã được cấp phát đầy đủ sách, vở. Các trường bán trú huy động giáo viên, phụ huynh và các tổ chức đoàn thể dựng lại nhà ăn, bếp, sửa chữa sân chơi… phục vụ nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh. Nhờ có sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương nên công tác vận động học sinh ra lớp sau dịp hè có nhiều thuận lợi. Đến thời điểm này, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp cấp TH đạt khoảng 98%, cấp THCS đạt khoảng 95%, một số trường ở vùng xa như Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH Phước Bình B, PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh (xã Phước Bình) đã vận động đạt 100% học sinh tới trường.
Giờ lên lớp của thầy và trò Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh, xã Phước Bình, huyện Bác Ái.
Tuy nhiên, bước vào năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT Bác Ái cũng còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện dạy và học, đặc biệt là đối với các trường PTDTBT. Từ khi 3 trường TH: Phước Đại B, Phước Thành A, Phước Bình B và 6 trường THCS bao gồm: Nguyễn Huệ (xã Phước Thành), Nguyễn Văn Trỗi (xã Phước Trung), Ngô Quyền (xã Phước Tiến), Nguyễn Văn Linh (xã Phước Tân), Đinh Bộ Lĩnh (xã Phước Bình), Lê Lợi (xã Phước Thắng) chuyển đổi thành mô hình trường bán trú đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, giúp các trường duy trì sỹ số ổn định và hạn chế đáng kể tình trạng học sinh bỏ học. Nhưng cùng với những thuận lợi trên, các trường PTDTBT đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh, khi các thầy giáo đang khẩn trương hoàn thành bếp tập thể phục vụ cho việc nấu ăn cho học sinh. Sau những giờ lên lớp, những giáo viên ở đây cũng trộn hồ, xây bếp… như những người “thợ hồ” thực thụ. Thầy giáo Nguyễn Như Hoài, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường có 357 học sinh/12 lớp, nhưng chỉ mới có 6 phòng học. Nhà trường phải huy động hết các phòng hiệu bộ, chức năng, nhà ở nội trú của cả học sinh và giáo viên làm phòng học. Nhà ăn của học sinh phải sử dụng làm phòng họp hội đồng nên các giáo viên vừa dựng tạm một nhà ăn và bếp mới để ngay sau lễ khai giảng, 216 học sinh thuộc diện nội trú có thể bắt đầu ăn, ở lại tại trường. Trường có 35 cán bộ, giáo viên, đều từ miền xuôi lên dạy học nhưng hiện chỉ có 4 phòng ở nội trú. Đây cũng là những khó khăn chung của các trường bán trú trên địa bàn huyện Bác Ái hiện nay.
Ngoài điều kiện cơ sở vật chất, các nguồn hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ thường bị chậm trễ cũng là khó khăn cho các trường trong việc tổ chức cho học sinh ăn tại trường. Với 95% học sinh toàn huyện là con em đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù đã được dạy Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 nhưng vốn tiếng Việt của các em còn hạn chế, chậm tiếp thu nên các thầy cô giáo cũng rất vất vả. Ngoài giờ học, các trường phải lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ để tạo hứng thú học tập cho học sinh. Thầy giáo Trần Ngọc Tuấn, Hiệu Trưởng Trường PTDTBT TH Phước Bình B cho biết: “Lễ khai giảng năm nay, nhà trường sẽ tổ chức nhiều trò chơi và hoạt động giao lưu với sự tham gia của cả giáo viên, học sinh, phụ huynh và chính quyền địa phương nhằm tạo sự gắn kết, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đồng thời tạo khí thế phấn khởi cho cả thầy và trò bước vào năm học mới với nhiều quyết tâm mới”.
Năm học 2013-2014 đã bắt đầu, để một năm học thành công với nhiều khởi sắc hơn nữa, ngành GD&ĐT Bác Ái rất cần sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự chung tay, hỗ trợ của toàn xã hội.
Bích Thủy