Đang gập mình mò ốc trên đồng Gò Sạn nắng như đổ lửa vào một ngày cuối tháng 8, tiếp xúc với chúng tôi, mẹ của Yên, chị Nguyễn Thị Kim Nguyệt nói trong nước mắt: “Chú ơi! Tội nghiệp cho con bé. Kể từ lúc học lớp 5 đến giờ, sau buổi cắp sách đến trường, nó ra ruộng bắt ốc bươu vàng đem ra chợ bán để dành tiền mua sách vở, đóng học phí; nuôi ước mơ thi đậu đại học. Vì thế, ở đây nhiều người gọi nó là “Yên ốc”. Khi niềm mơ ước của nó đã trở thành hiện thực thì gia đình lại không có tiền cho con đi học. Mượn bà con thì không được, bởi ai cũng khổ như mình. Nói con bỏ học thì có tội…”.
Để có tiền nhập học, những ngày cuối tháng 8, Yên cùng mẹ đi mò ốc
Hoàn cảnh khó khăn, lại không có đất trồng lúa, thu nhập chính của vợ chồng chị Nguyệt đều dựa vào việc làm thuê, hết gặt mướn, dặm lúa thuê, vợ chồng chị kéo nhau đi phụ hồ, lượm ve chai để nuôi 3 người con đang trong tuổi ăn, tuổi học. Do hoàn cảnh khốn khó, người con trai đầu của chị phải bỏ học đi làm “thợ đụng” để chu cấp cho các em.
Thấu hiểu được nỗi khổ của gia đình, Yên tự hứa với lòng mình phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng đấng sinh thành. Trong suốt 12 năm học, Yên được nhà trường khen thưởng về tấm gương sáng học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Khi hỏi về kinh nghiệm học tập của mình, Yên cười khiêm tốn cho biết: Ngoài việc chú ý lắng nghe thầy cô giảng, tích cực xây dựng bài tại lớp; về nhà đọc sách, báo, xem tin tức, thời sự trên ti vi em chẳng có bí quyết gì cả. Riêng với những môn xã hội, ngoài việc học trong sách, nghe thầy cô giảng, em chọn cho mình phương pháp học “hình tượng”. Ví dụ như môn lịch sử, em tự vẽ sơ đồ các trận đánh, chiến dịch; môn địa lý, em mua bản đồ vùng, miền… để treo trên tường. Mỗi khi nấu ăn, lựa ốc đem đi bán hay quét nhà đều nhìn thấy kiến thức từ hình ảnh đã giúp em nhớ đến “chất thần” trong bài đó”, Yên bật mí.
Ngày đi thi đại học, những người bạn cùng trang lứa thì có người đưa đón, chăm sóc, còn Yên được mẹ cho 1 triệu đồng làm “lộ phí”, một mình vào TP. Hồ Chí Minh dự thi đại học rồi cao đẳng. Sau ngày thi đại học, trong 15 ngày chờ dự thi cao đẳng, Yên phải xin đi phụ bán quán cơm để có tiền lộ phí thi.
Với 21 điểm (không nhân hệ số), Lê Thị Kim Yên đã trúng tuyển vào ngành Kinh doanh xuất bản phẩm, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; không chỉ vậy, cô học trò nghèo này cũng đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh với 19,25 điểm. Thế nhưng, khi cầm 2 giấy báo trúng tuyển trên tay, em lại không có điều kiện đến trường. "Mẹ em đi "vay nóng" liền được người ta trả lời là "có thấy phơi lúa mới cho mượn gạo các anh ạ!", Yên cho biết... Tạm biệt em, trên đường về, chúng tôi chỉ thầm cầu mong sao cho cô học trò nhỏ này có đủ điều kiện để được bay cao, bay xa...
Thanh Quang – Hồng Lâm