Cải tạo rừng nghèo, nhiều triển vọng từ cây cao su

(NTO) Với mục tiêu “xanh hóa” những khu rừng nghèo, cải tạo và nâng cao giá trị kinh tế cho trên 20.000 ha đất rừng nghèo kiệt trên địa bàn tỉnh, từ năm 2008 đến nay, nhiều dự án trồng thí điểm cây cao su trên địa bàn huyện Bác Ái, Ninh Sơn được triển khai. Bước đầu đã mở ra triển vọng về hướng đi mới cho các vùng đất khô cằn trong tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã hợp tác với một số doanh nghiệp đầu tư trồng thí điểm được hơn 910 ha cây cao su, chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Bác Ái và Ninh Sơn. Để tìm hiểu rõ hơn về các mô hình cây cao su, chúng tôi đã đến tham quan trực tiếp tại các tiểu khu 75, 58a, 58b… xã Phước Tiến (Bác Ái) thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến. Đây là những địa điểm đang được đơn vị triển khai thí điểm và liên doanh hợp tác với Công ty CP TM-DV & SX Đại Phú Quý trồng thí điểm gần 395 ha cây cao su, gồm các mô hình từ 1 đến 5 năm tuổi.

 
Cao su trồng thí điểm năm 2008 của đơn vị Tân Tiến
phát triển rất tốt, đang trong quá trình lấy mủ kiểm nghiệm chất lượng.

Khá bất ngờ, hàng trăm héc-ta đất rừng nghèo kiệt ngày nào trên bây giờ đã xanh mướt cây cao su trồng thành hàng thẳng tắp. Ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến, cho biết: Lâu nay việc cải tạo các diện tích rừng nghèo trên lâm phần của đơn vị luôn được quan tâm, nhiều loại cây như keo, điều, măng điền trúc… đã được đơn vị chọn cải tạo, chuyển đổi. Tuy nhiên, các loại cây trên không chịu nổi khí hậu khô hạn kéo dài nên hiệu quả kinh tế giảm. Nhưng đối với cây cao su, từ năm 2008 đến nay, qua trồng thí điểm đã đạt tỷ lệ sống và sinh trưởng khá cao. Đặc biệt khi trồng thử tại một số vùng đất khô cằn nhất thuộc các tiểu khu trên lâm phần của đơn vị, cây cao su phát triển tốt, mức tăng trưởng bề vòng thân cây hằng năm đều lớn hơn so với bề vòng thân cây cao su truyền thống tại các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Được biết, trong tổng diện tích trồng cây cao su (giống khả năng chịu hạn cao PB260 và RRIV4 ) đang được thí điểm trên lâm phần của Công ty Tân Tiến, đa số cây từ 2 năm đến 5 năm tuổi, đều đạt chiều cao bình quân từ 2,5 m đến 6,5 m; đường kính thân cây bình quân vượt từ 2 đến 4 cm so với tiêu chuẩn bề vòng thân cây của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Ngoài ra, 10,8 ha cao su do đơn vị triển khai trồng từ năm 2008 cũng đang bắt đầu tiến hành cho lấy mủ để gửi đến các cơ quan chức năng đánh giá về chất lượng và sản lượng theo độ tuổi.

Thực tế vào năm 1994, tại xã Phước Bình (Bác Ái), ngành chức năng đã triển khai thí điểm trồng một số diện tích nhỏ cây cao su giống mắt ghép PB-235 của Braxin, với mật độ khoảng 476 cây/ha. Tuy nhiên, thời điểm đó việc trồng cây cao su chưa được quan tâm chăm sóc nên hiện nay số lượng chỉ còn lại khoảng vài chục cây. Trên cơ sở số cây cao su còn lại tại xã Phước Bình, với mức tuổi khoảng 18 năm, các đơn vị chức năng đã tiến hành cạo lấy mủ theo dõi trên 20 cây trong vòng 18 ngày và được Tổng Công ty Cao su Đồng Nai phân tích, đánh giá chất lượng cho thấy, các hàm lượng như cao su khô (DRC); chất rắn (TSC) đạt tỷ lệ cao hơn nhiều so với hàm lượng cao su trồng tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ từ 2,55 - 9,32%. Về năng suất mủ, ước đạt khoảng 2.093 kg mủ khô/ha/năm. Ông Phạm Thiều, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cho biết: Việc lấy mủ kiểm tra từ cây cao su trồng tại xã Phước Bình cho chất lượng cao có ý nghĩa rất lớn về mặt giá trị kinh tế, nhưng riêng về sản lượng thì chưa thể khẳng định được, bởi đây là các loại cây đã có tuổi lâu năm, lại lần đầu tiến hành lấy mủ nên chưa thể nói trước điều gì. Tuy nhiên theo ông Thiều, với những kết quả khả quan từ mức sinh trưởng tốt của những diện tích cao su đang được thí điểm trên địa bàn hai huyện Ninh Sơn, Bác Ái và từ chất lượng mủ của cây cao su ở Phước Bình cho thấy tín hiệu đáng mừng khi đưa cây cao su vào trồng cải hóa các diện tích rừng nghèo trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.

Có thể nói, thành công bước đầu trong việc triển khai thí điểm cây cao su không chỉ góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường mà còn mở ra triển vọng tạo công ăn việc làm lâu dài, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Theo định hướng của tỉnh, dự kiến sẽ quy hoạch phát triển cây cao su đến cuối năm 2020 ở các huyện với diện tích lên đến hơn 24.000 ha. Để đạt mục tiêu trên, thiết nghĩ tỉnh ta cần mở rộng các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, đồng thời phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất trong các vùng dự án.