Trước đây, HTX nhận khâu làm đất cho 442 hộ, với diện tích 360 ha, lẽ ra mỗi vụ thu về khoảng 600 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ thu được gần 400 triệu đồng, số tiền còn lại phải thu dần qua nhiều vụ. Vốn bỏ ra không “gom” về được, khiến cho HTX hoạt động khó khăn. Do đó, năm nào có kinh phí thì HTX nhận làm đất cho bà con, năm nào thiếu vốn thì thả nổi cho các hộ tự lo. Ở khâu dịch vụ nạo vét kênh mương, tưới tiêu cũng không khá gì hơn. Thôn Hậu Sanh nằm cuối nguồn nước hồ Tân Giang việc đưa nước về đồng ruộng rất khó khăn. Toàn bộ tuyến kênh dài gần 2 km chưa được bê - tông, nên cứ qua một cơn mưa là đất, cát lấp đầy. Để khai thông dòng chảy, mỗi vụ ít nhất HTX phải tổ chức nạo vét ba lần, tốn nhiều công sức. Khó khăn là như vậy, nhưng chỉ có khoảng 70% hộ dân làm tốt nghĩa vụ đóng phí, các hộ còn lại “nhùng nhằng” năm này qua năm khác, làm cho đồng vốn của HTX cứ hao hụt dần.
Hợp tác xã Hậu Sanh vừa đầu tư 250 triệu đồng mua lúa giống
cung cấp cho nông dân chủ động sản xuất vụ mùa 2013.
Năm 2010, tại Đại hội Đại biểu xã viên, phân tích nguyên nhân nợ tồn đọng nhiều là do công tác quản lý lỏng lẻo, các thành viên Ban Quản trị thiếu năng động, trách nhiệm chưa cao, không chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng vụ. Đại hội bầu ra Ban Quản trị, chủ nhiệm mới, và từ đây như có như có “luồng gió mới” vực dậy hoạt động của HTX.
Tiếp nhận cơ sở vật chất nghèo nàn, cùng số nợ tồn đọng khá lớn từ Ban Quản trị nhiệm kỳ trước để lại, Tân chủ nhiệm Bá Ngọc Vinh đã khởi xướng đổi mới, củng cố lại các hoạt động dịch vụ. Đối với khâu làm đất, thành lập 5 tổ, mỗi tổ 6 máy cày huy động của xã viên. Đến vụ, các tổ đăng ký với HTX nhận làm đất cho bà con, với giá 2,1 triệu đồng/ha, trích lại cho HTX 5%. Toàn bộ tiền công làm đất HTX đầu tư trước, đến cuối vụ mới thu, làm lợi cho nông dân rất nhiều, nhất là những hộ nghèo thiếu vốn. Đối với khâu nạo vét kênh mương, tưới tiêu, thành lập 2 tổ, mỗi tổ 8 người. Các tổ được trả tiền ngay sau các đợt nạo vét nên rất tích cực vào cuộc, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất. Thấy được hiệu quả, bà con chấp hành nghiêm việc đóng phí sau mỗi vụ.
Cùng với đó, HTX cũng đã tổ chức lại hoạt động sản xuất lúa giống. Những năm trước, khi nhận 10 ha đất dự phòng của UBND xã để sản xuất lúa giống, HTX thành lập 1 tổ chuyên trách riêng. Do phân công, phân nhiệm không cụ thể, lợi ích không rõ ràng dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” làm cho sản xuất kém hiệu quả. Hiện nay, lĩnh vực này Ban Quản trị khoán cho xã viên trực tiếp sản xuất, HTX chỉ cung ứng phân bón, bao tiêu sản phẩm. Kết quả rất khả quan, chất lượng lúa giống tốt, năng suất đạt cao, mỗi vụ thu được khoảng 70 tấn, không những đủ cung cấp cho nông dân địa phương sản xuất 360 ha lúa/vụ, còn dư bán ra thị trường.
Làm ăn tấn tới, xã viên mỗi năm được trả lãi cổ phần gần 500 ngàn đồng. HTX còn có điều kiện đầu tư sửa chữa kho chứa thóc giống, xây mới phòng làm việc, với kinh phí gần 250 triệu đồng. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cao nhất là HTX đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Anh Tùng