Hiệu quả ứng dụng hầm khí Biogas Composite trong chăn nuôi ở Ninh Hải

(NTO) Tính đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện Ninh Hải lên tới 42.900 con, trong đó có trên 3.650 con heo. Với số lượng đàn gia súc lớn, chất thải chăn nuôi ra môi trường là không nhỏ, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện triển khai dự án “Ứng dụng mô hình hầm khí Biogas Composite trong chăn nuôi”.

Theo đó, tháng 7-2012, huyện đã chọn 6 hộ nuôi heo có quy mô đàn từ 20 con trở lên ở xã Hộ Hải và thị trấn Khánh Hải triển khai dự án. Mỗi hộ được hỗ trợ lắp đặt 1 hầm biogas composite, dung tích khoảng 14m3 với chi phí 13,4 triệu đồng (trong đó hộ chăn nuôi đóng góp 15%). Theo ông Phạm Phú Qúy, Cán bộ phụ trách khoa học-công nghệ huyện Ninh Hải, cho biết: So với loại hầm nắp nổi, loại hầm này có độ bền cao và kín khí tuyệt đối, làm bằng nhựa nên trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển, phù hợp với các địa hình vùng nông thôn; hiệu suất sinh khí cao gấp 1,5- 2 lần, chịu áp suất lớn; tốn ít nhân công, thời gian lắp đặt nhanh, chỉ từ 2 đến 3 giờ là có thể cho chất thải vào sử dụng được nên người dân rất ưu chuộng.

Hầm khí Biogas Composite được coi là giải pháp tối ưu giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, hầm khí còn giúp bà con tiết kiệm chi phí mua khí đốt trong sinh hoạt hằng ngày. Là hộ đi đầu trong việc xây lắp bể Biogas Composite, anh Nguyễn Đăng Ánh, thôn Cà Đú, xã Hộ Hải chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thường tập trung phân heo lại một nơi, rồi mang đi bón phân cho đồng ruộng. Tuy nhiên, tình trạng này gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ủ nhiều mần bệnh nguy hiểm. Sau khi lắp đặt hầm Biogas Composite, không những môi trường chuồng trại trở nên sạch sẽ hơn mà gia đình còn tiết kiệm được từ 600.000-700.000 đồng/tháng cho việc mua gas, củi đốt...

Nhận thức được lợi ích từ việc xây dựng hầm khí Biogas, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia dự án và mong muốn nhân rộng mô hình. Trước nhu cầu của nhiều hộ dân trên địa bàn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tổ chức 2 lớp tập huấn, với 60 học viên về quy trình lắp đặt và sử dụng hầm khí có hiệu quả. Cũng theo ông Phạm Phú Quý, việc chăn nuôi kết hợp xây dựng hầm khí Biogas không chỉ tạo ra chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho người dân, mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.