Thực ra đây là hiện tượng bình thường. Các nhà khoa học thở phào nhẹ nhõm bởi sự thay đổi cực từ của mặt trời có nghĩa là nó đang quay trở lại với chu trình tự nhiên của mình. Trong những năm gần đây, người ta đã ghi nhận được những trường hợp cho thấy có gì đó bất thường xảy ra với mặt trời. Tính tích cực của nó đã không còn. Một số người thậm chí dự đoán rằng chu kỳ 11 năm mà trong đó các vết đen xuất hiện trên bề mặt mặt trời có thể biến mất. Hiện tượng này đã từng xảy ra, chẳng hạn trong nửa cuối thế kỷ XVII và có liên quan đến giai đoạn châu Âu lạnh đi (gọi là thời kỳ băng hà nhỏ).
Từ trường khổng lồ
Chu kỳ 11 năm của mặt trời được một chủ hiệu thuốc tên là Heinrich Samuel Schwabe ở Dessau (Đức) phát hiện vào giữa thế kỷ XIX. Ông thấy rằng cứ khoảng chục năm thì trên mặt trời xuất hiện nhiều vết đen, có lúc lên tới hàng trăm vết. Ngày nay chúng ta biết rằng đó là những khu vực có nhiệt độ thấp hơn xung quanh (thậm chí lạnh hơn 2.000 độ C) và vì thế chúng có màu sẫm hơn. Theo lẽ thường, khối plasma lạnh hơn tức là nặng hơn, sẽ chìm xuống sâu; tại đó nó nóng lên và lại nổi lên trên bề mặt (những dòng đối lưu như vậy liên tục khuấy đảo vật chất mặt trời và cân bằng nhiệt độ). Tuy nhiên tại các vị trí sinh ra các vết đen, xuất hiện từ trường khổng lồ làm ngừng quá trình đối lưu. Những “bong bóng từ trường” này thường vỡ ra và khi đó xảy ra hiện tượng mặt trời bùng nổ, trong đó hàng tỷ tấn plasma, chủ yếu là điện tử và proton, bị tung vào không gian. Khi đến trái đất, các điện tử và proton này gây ra hiện tượng cực quang tuyệt đẹp và những cơn bão từ nguy hiểm.
Như vậy, càng nhiều vết đen thì càng có nhiều vụ nổ trên mặt trời, làm ảnh hưởng tới trái đất. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mặt trời trở nên hiền hòa. Ít có các vết đen xuất hiện trên nó, thậm chí khi các dự đoán cho thấy cực đại của chu kỳ hoạt động tích cực đang đến gần và sau đó là một chu kỳ mới. Chính vì thế, một số nhà khoa học khẳng định chu kỳ tiếp theo của mặt trời (chu kỳ số 25) sẽ bị muộn, hoặc hoàn toàn không xuất hiện.
Đảo cực từ diễn ra như thế nào?
Các cực từ thay đổi là dấu hiệu cho thấy chu kỳ tiếp theo sẽ diễn ra. Vậy sự đảo cực này xảy ra như thế nào?
Đầu tiên từ trường của mặt trời giảm đến giá trị 0, sau đó nó xuất hiện trở lại, nhưng với hai cực từ đảo ngược. Điều này có ảnh hưởng đến chúng ta. Từ trường mặt trời yếu đi, có nghĩa là hầu như không còn rào chắn tự nhiên, bảo vệ trái đất và các hành tinh khác trước các hạt tích điện lao vào hệ mặt trời với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng. Nguồn gốc của các hạt này là các ngôi sao siêu tân tinh, các vụ va chạm sao và những sự kiện đột ngột khác xảy ra trong vũ trụ. Chúng có thể gây hại cho vệ tinh, hoặc gây ra những biến đổi nguy hiểm trong DNA của các phi hành gia. Trên trái đất, chúng ta được an toàn trước các hạt tích điện này, bởi chúng ta được khí quyển bảo vệ.
Chu kì mặt trời là một bí ẩn lớn. Cho đến nay, chưa có ai biết được cơ chế của chu kỳ mặt trời, cả về mặt lý thuyết cũng như trong các mô phỏng trên máy tính.
Các cơn bão từ trên trái đất có thể làm gián đoạn liên lạc vệ tinh và radio, làm hỏng đường dây cao thế, làm các đường ống dẫn khí và dầu mau rỉ. Một trận bão từ đã gây mất điện ở bang Quebec (Canada) mất điện trong 9 giờ liền. Bão từ còn có thể gây nguy hiểm cho người bị bệnh tim mạch, xương khớp...
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại