Nghị định nêu rõ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh;
- Doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007;
- Doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa theo các Nghị định: số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998, số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002, số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân mới, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc khi chuyển thành công ty cổ phần;
- Doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao, bán theo các Nghị định: số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999, số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 của Chính phủ và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 mà khoản tiền thuế, tiền phạt này không được tính vào giá trị doanh nghiệp để giao bán.
Việc xóa nợ tiền thuế đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì đồng thời được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của khoản thuế nợ gốc được xóa tương ứng.
Người nộp thuế phải kê khai đầy đủ, trung thực, đầy đủ vào tờ khai thuế. Ảnh: dddn.com.vn
Về các quy định khác, Nghị định nêu rõ, về nguyên tắc tính thuế, khai thuế, nộp thuế: Người nộp thuế có trách nhiệm tính, xác định số tiền thuế phải nộp ngân sách do mình kê khai, trừ trường hợp cơ quan quản lý thuế ấn định thuế theo quy định tại các Điều 37,38,39 Luật quản lý thuế; khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế. Nếu hồ sơ khai thuế có sai sót thì người nộp thuế được phép khai bổ sung, điều chỉnh hồ sơ. Khi cơ quan thuế đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế, nếu người nộp thuế phát hiện hồ sơ đã nộp còn sai sót thì người nộp thuế được tự khai bổ sung, điều chỉnh. Việc xử lý căn cứ chế độ quy định và nguyên nhân của việc khai sót, chưa đúng.
Về công khai thông tin người nộp thuế: Cơ quan quản lý thuế được công khai thông tin người vi phạm pháp luật về thuế trong các trường hợp: trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, làm mất hóa đơn, vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn…; không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật; chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ…
Người nộp thuế có quyền khiếu nại về việc xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nghị định cũng quy định chi tiết về hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai bổ sung hồ sơ khai thuế, khai thuế giá trị gia tăng, khai thuế thu nhập doanh nghiệp, khai thuế tiêu thụ đặc biệt, khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, khai thuế tài nguyên…; việc xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, xác định ngày đã nộp thuế, gia hạn nộp thuế; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt…
Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, của người nộp thuế trong hoạt động thuế và quản lý thuế… cũng được quy định chi tiết tại Nghị định.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013 và thay thế các Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam