Đường giao thông xuống cấp - nỗi lo khi mùa mưa đến

(NTO) Khi thời tiết bớt chút hanh hao nhờ những cơn mưa đầu mùa dịu mát thì cũng là lúc không ít người đi đường phải chịu cảnh “trần ai” với những con đường đã xuống cấp, hư hỏng, chắp vá chằng chịt.

Nỗi lo khi mùa mưa đến:

Ngán ngẩm nhất có lẽ là đoạn tỉnh lộ 703 nối xã Phước Hậu và thị trấn Phước Dân. Dù chỉ dài khoảng 5 km nhưng đây là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Theo ghi nhận, tại khu vực đi qua khu phố 7 (Bàu Trúc) thuộc thị trấn Phước Dân, lòng đường bị xé nhỏ bởi nhiều vũng nước đọng, sình lầy, khiến người đi đường phải trở thành những “tay lái lụa” bất đắc dĩ, lấn sang phần đường ngược chiều. Ông Đàng Năng Tiên, một hộ dân sống gần đó cho hay: Đoạn này cứ mưa một cơn là lầy lội, nhiều người đi xe không khéo, bị té ngã. Không ít trường hợp ô tô đi qua bị mắc lầy.

Mặt đường sình lầy trên tỉnh lộ 703 khiến các phương tiện phải lấn sang phần đường ngược chiều.

Trong khi đó, một số đường liên xã cũng đã xuống cấp, hư hỏng. Tuy đã nhiều lần sửa chữa, dặm vá các ổ gà nhưng tuyến đường Phước Hậu – Phước Sơn vẫn “rách hoàn rách”. Ông Lương Tám, ở thôn Chất Thường nói: Đoạn đường gần nhà tôi bị hư hỏng đã hơn 2 năm nay, sửa chữa cũng nhiều lần rồi, khi đổ đá dăm, khi đổ đất đỏ. Nhưng cứ đắp chỗ này thì lún chỗ kia, đắp chỗ kia lại lún chỗ nọ, thành ra cả đoạn hơn chục mét như vừa lầy, vừa trơn, người đi đường bị té ngã không ít, đặc biệt là vào buổi tối.

Mới đây, tại đoạn cua gần nghĩa trang thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu) còn xuất hiện một “hố tử thần” với đường kính miệng hố khoảng 0,5 m, kết cấu lòng hố và xung quanh miệng hố yếu, tạo thành khu vực lõm trên mặt đường. Để cảnh báo, bà con đã dùng thân cây và bao làm vật cản, gây sự chú ý. Hố và các vật cản chiếm gần nửa lòng đường, lại nằm ngay đoạn cua gấp nên rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với các phương tiện chạy tốc độ cao, sẽ khó xử lý kịp.

“Hố tử thần” xuất hiện ngay khúc cua gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Khó khăn kinh phí duy tu, sửa chữa:

Lý giải tình trạng hư hỏng, xuống cấp các tuyến đường liên xã trên địa bàn, ông Trương Huyền Huy, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ninh Phước, cho biết: Ngoài nguyên nhân do trận lũ lụt cuối năm 2010 thì lượng phương tiện quá tải, quá khổ lưu thông ngày càng nhiều, đặc biệt là các xe chuyên chở vật liệu xây dựng. Kết cấu lòng đường một số đoạn đã rất yếu nên việc sửa chữa, vá dặm chỉ mang tính tạm thời. Theo kế hoạch, trong năm 2013, huyện Ninh Phước tiến hành sửa chữa, duy tu các tuyến đường Phước Dân – Phước Thái – Phước Hậu, Phước Hậu – Phước Sơn, Mỹ Nghiệp – Từ Tâm… với tổng kinh phí trên 440 triệu đồng.

Không riêng Ninh Phước mà tại các địa phương khác, tình trạng đường giao thông xuống cấp, không đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện cũng diễn ra ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình giao thông của tỉnh và các huyện còn khá khiêm tốn. Số liệu từ Sở Giao thông vận tải cho thấy, trong năm 2013, nguồn vốn Trung ương cấp để sửa chữa, duy tu Quốc lộ 27B trung bình gần 77,3 triệu đồng/km (năm 2012 là trên 54,5 triệu đồng/km). Trong khi đó, bình quân kinh phí dành cho các tuyến đường do tỉnh và huyện quản lý năm 2013 chỉ ở mức trên 8,3 triệu đồng/km (năm 2012 là 10,7 triệu đồng/km). Với giá vật tư và mức độ hư hỏng, xuống cấp như hiện nay thì nguồn kinh phí này khó lòng đáp ứng đủ nhu cầu. Ông Trần Văn Hai, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông vận tải cho biết: Theo khảo sát, chỉ tính riêng hệ thống cầu và đường do cấp tỉnh quản lý đã cần nguồn kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng trên 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉnh chỉ duyệt có hơn 2 tỷ đồng nên chỉ còn cách “liệu cơm gắp mắm”, tự cân đối sao cho hợp lý nhất. Kế hoạch trong năm nay sẽ xử lý sình lún, dặm vá ổ gà toàn tuyến tỉnh lộ 703 và một số đoạn thuộc các tỉnh lộ 705, 706,...

Với thực trạng đó, giải pháp khả dĩ trước mắt nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đường có lẽ là sự cẩn thận khi tham gia giao thông và tinh thần đóng góp của nhân dân cùng hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa các đoạn đường đã xuống cấp, hư hỏng.