Thông cáo nêu rõ trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước vẫn còn quá yếu kém để có thể tạo thêm nhiều việc làm, vì vậy việc thông qua những biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô được cân nhắc thận trọng, đảm bảo ổn định tài chính công, tiến hành cải cách cơ cấu và một môi trường điều tiết kinh tế lành mạnh có nghĩa quyết định để đạt được những mục tiêu nói trên.
Trong thông cáo chung, các Bộ trưởng Lao động và Tài chính G-20 cam kết tăng cường nỗ lực hơn nữa theo hướng đầu tư vào các chương trình tạo việc làm, bồi dưỡng tay nghề thường xuyên, cũng như tăng tỷ lệ có việc làm trong giới trẻ. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng nhất trí duy trì điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi để tạo việc làm, khuyến khích đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, cần tập trung nỗ lực hỗ trợ môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chống lại hoạt động manh mún trên thị trường lao động cũng như hạn chế mức độ bất bình đẳng về mặt xã hội. Các bộ trưởng G-20 cũng khẳng định sẵn sàng tăng cường vai trò của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến các chương trình tạo việc làm, môi trường đầu tư thuận lợi cũng như việc tiếp cận các nguồn tài chính...
Hội nghị thượng đỉnh G-20 dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Xanh Pê-téc-bua (St. Petersburg) của Nga vào đầu tháng 9 tới. Hiện các thành viên Nhóm G-20 gồm có Áchentina, Ôxtrâylia, Braxin, Anh, Canađa, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Inđônêxia, Italia, Nhật Bản, Mêhicô, Nga, Arập Xêút, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo TTXVN