Mỹ Latinh có bằng chứng về chương trình theo dõi của Mỹ

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Mỹ Latinh xung quanh những tiết lộ về chương trình do thám của Washington (Oa-sinh-tơn) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Ngoại trưởng Áchentina Héctor Timerman (Ếch-tô Ti-mơ-men) nêu rõ các nước Mỹ Latinh có bằng chứng về việc Mỹ đã bí mật theo dõi các quan chức của mình.

Phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh ngày 15-7 dẫn trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Radio Nacional của Ngoại trưởng Timerman tại Hội nghị thượng đỉnh Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) cuối tuần trước tại Montevideo (Môn-tê-vi-đê-ô, Urugoay) cho biết ông đã nhận được danh sách tài khoản thư điện tử cùng mật khẩu của trên 100 công dân Áchentina bị Mỹ do thám và sẽ trao những bằng chứng này cho ngành tư pháp để tiến hành điều tra.

Theo Ngoại trưởng Timerman, trong danh sách có tên nhiều quan chức của Chính phủ và Quốc hội bao gồm Phó Tổng thống Amado Boudou (A-ma-đô Bô-u-đô-u), Thống đốc tỉnh Buenos Aires (Bu-ê-nốt Ai-rết), Daniel Scioli (Đa-ni-ên Si-ô-li), Bộ trưởng Tư pháp và nhân quyền Julio Alak (Hu-li-ô A-lắc) và cựu Ngoại trưởng Jorge Taiana (Hoóc -hê Ta-i-a-na). Ngoài ra, thư điện tử của một số thị trưởng, phu nhân của quan chức cao cấp, doanh nhân, nhà báo và một số tổ chức dân sự tại Áchentina cũng lọt vào tầm ngắm của lực lượng an ninh Mỹ. Ngoài ra, các ngoại trưởng tham gia hội nghị MERCOSUR khác cũng đều được trao những bằng chứng về hoạt động gián điệp của Washington tại nước mình. An ninh mạng là một trong những nội dung chính bao trùm hội nghị thượng đỉnh MERCOSUR lần thứ 45, diễn ra ngày 12-7 với sự tham gia của nguyên thủ các quốc gia Áchentina, Braxin, Urugoay và Vênêxuêla. Sau hội nghị, lãnh đạo các nước đã ra thông cáo chung lên án hoạt động gián điệp của Mỹ tại Mỹ Latinh, xâm phạm quyền con người, quyền riêng tư của công dân và vi phạm chủ quyền quốc gia của các quốc gia tại khu vực này..

Trong khi đó, nhân vật châm ngòi cho những căng thẳng trên, cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden (Ét-uốt Xnâu-đơn) vẫn đang "mắc kẹt" tại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo (Sê-rê-mê-ti-ê-vô) ở thủ đô Moscow (Mát-xcơ-va, Nga) từ hôm 23-6. Dù đã được 3 nước là Bôlivia, Vênêxuêla và Nicaragoa để ngỏ khả năng đồng ý cấp quy chế tỵ nạn nhân đạo, nhân vật này chưa thể khởi hành tới một "điểm đến an toàn" cuối cùng do không có đủ các giấy tờ hợp lệ.

Phát biểu trên truyền hình ngày 15-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) cáo buộc Mỹ làm đang gián tiếp "giam giữ" Snowden tại Nga. Theo Tổng thống Putin, "vị khách không mời" này bay đến Nga chỉ với mục đích quá cảnh sang các nước khác, song chính những hành động dọa dẫm, gây áp lực của Mỹ đã khiến không nước nào muốn đón nhận cựu nhân viên CIA. Trước đó, ngày 12-7, Snowden đã có cuộc gặp với các nhà hoạt động nhân quyền tại sân bay Sheremetyevo, bày tỏ nguyện vọng được tỵ nạn tại Nga để có thể đến khu vực Mỹ Latinh một cách hợp pháp. Trong một diễn biến khác liên quan, Giáo sư xã hội học Stephen Svallfors (Xti-phơn Xvan-pho) tại Đại học Umea, một viện sĩ Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đã đề nghị Ủy ban Nobel (Nô-ben) Na Uy trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho Snowden. Thư đề nghị của ông Svallfors nêu rõ: "Nhờ những nỗ lực đầy can đảm của Snowden, người chấp nhận sự thiệt thòi cho bản thân, mà hoạt động gián điệp quy mô do Mỹ thực hiện đã bị đưa ra ánh sáng."

Theo TTXVN