Ngư trường biển Cà Ná vốn nổi tiếng lâu nay với nguồn hải sản phong phú về chủng loại và dồi dào về trữ lượng. Tuy vậy, trong những năm gần đây do tác động môi trường biển, việc khai thác cạn kiệt của con người làm cho nguồn hải sản gần bờ suy giảm mạnh, ngư dân phải chuyển sang khai thác xa bờ. Việc đưa tàu khai thác ngoài khơi xa tại ngư trường các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa (vùng biển Trường Sa), nơi giáp ranh vùng biển của các Quốc gia Đông Nam Á với nhiều rủi ro như giông bão, gió lốc, …và những sự cố bất ngờ trên tàu như tai nạn, máy móc hư hỏng,… gây thiệt hại về người và tài sản và là rất lớn.
Mùa khai thác vụ cá nam của ngư dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Sơn Ngọc
Từ tình hình trên vào khoảng cuối năm 2008, một số tàu thuyền của bà con ngư dân tập hợp lại với nhau hình thành Tổ đánh bắt xa bờ đầu tiên gồm 4 chiếc tàu do ông Phan Văn Loan làm tổ trưởng. Theo đó, lúc hoạt động riêng lẻ thu nhập mỗi chiếc tàu đạt chừng 130 triệu đồng/năm nhưng từ sau khi gia nhập tổ mỗi chiếc tàu đạt 160 triệu đồng/năm, thu nhập người lao động cũng tăng theo. Từ hiệu quả hoạt động của Tổ đánh bắt xa bờ đầu tiên, năm 2011 xã hình thành thêm 02 tổ, nâng tổng số lên 03 tổ với 16 thuyền/3.240 cv, 192 lao động, sản lượng đánh bắt đạt 1.862 tấn, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng. Qua tình hình phát triển các Tổ đánh bắt hải sản xa bờ, để phát huy thế mạnh hình thức hợp tác của ngư dân và nhằm tăng cường công tác quản lý đánh bắt hải sản, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bảo vệ môi trường biển, năm 2012 Đảng ủy, chính quyền xã cùng với Mặt trận và các đoàn thể xã (trong đó nòng cốt là Hội Nông dân) đã vận động bà con ngư dân thống nhất tổ chức lại với tên gọi “Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản”, đồng thời UBND xã ban hành Quy chế hoạt động của “Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản”. Quy chế này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thống nhất về lợi ích giữa các thành viên với người góp vốn, chủ tàu thuyền, người có công sức. Kể từ sau khi xã ban hành Quy chế cộng với hiệu quả thấy rõ nên các Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản phát triển nhanh chóng. Nếu năm 2012 toàn xã đã có 07 Tổ với 35 thuyền/7350 cv và 423 lao động, sản lượng đánh bắt đạt 5.000 tấn, lợi nhuận đạt 360 triệu đồng thì đến 6 tháng đầu năm 2013 tiếp tục tăng lên 11 Tổ với 43 thuyền/10.750 cv, 516 lao động, sản lượng đánh bắt đạt 6.450 tấn, lợi nhuận ước đạt 460 triệu đồng. Trong đó, có 31 tàu công suất lớn (từ 191 - 150 cv) và 12 tàu công suất vừa (từ 110 - 190 cv). Hoạt động đánh bắt xa bờ của các Tổ có sự phân công cụ thể, liên lạc thường xuyên hỗ trợ nhau trong đánh bắt cũng như cứu trợ nhau lúc hoạn nạn. Đáng nói là trong khai thác hải sản nếu thuyền nào "trúng", đủ trọng tải thì đưa sớm vào đất liền tiêu thụ, ngược lại nhiều tàu trong tổ sẽ dồn sản phẩm cho 1 hay 2 chiếc để đưa vào nơi tiêu thụ gần nhất, sau đó tiếp tục mang dầu, đá, và các nhu yến thẩm thiết yếu ra cung cấp cho các thuyền đang bám biển. Nhờ vậy, gặp thời tiết thuận lợi cả Tổ vẫn có thể liên tục duy trì khai thác dài ngày trên biển. Đây là yếu tố giảm chi phí trong mỗi chuyến biển. Ngoài ra, các Tổ còn chia sẻ thông tin hữu ích, kịp thời về ngư trường, giá cả, thị trường tiêu thụ. Trong những trường hợp thời tiết xấu, thiên tai ….các thành viên trong Tổ hỗ trợ nhau kịp thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Cùng với hình thành Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ, Đảng ủy, chính quyền xã giao cho Ban chỉ huy quân sự xã thành lập Trung đội dân quân biển gồm 30 đội viên. Hàng năm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đều tổ chức cho Trung đội dân quân biển được học tập, quán triệt về tình hình biển đảo, âm mưu thủ đoạn của địch và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của toàn dân... Để hỗ trợ ngư dân và phát huy mô hình Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ, Cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực chủ động đề nghị huyện, tỉnh quan tâm hỗ trợ cho bà con được vay vốn lãi suất ưu đãi để đóng mới tàu thuyền công suất lớn, hỗ trợ các thiết bị phương tiện bảo đảm đánh bắt xa bờ và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong năm 2011 - 2012 ngành thủy sản tỉnh đã hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt 02 máy dò ngang, 05 thiết bị định vị vệ tinh (Movimar) giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả, tham gia cứu trợ, cứu nạn trên biển và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong 6 tháng năm 2013, quỹ “ Tấm lòng vàng người lao động” đã tặng cho các Tổ 80 áo phao và 20 thùng thuốc sơ cấp cứu trang bị trên tất cả các tàu thuyền tổng trị giá gần 20 triệu đồng. Sự hỗ trợ trên cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương có ý nghĩa động viên bà con ngư dân rất lớn, tạo cho họ sự tin tưởng khi đánh bắt hải sản ở các ngư trường ngoài khơi xa.
Việc ra đời các “Tổ đoàn kết khai thác hải sản” có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, làm sâu sắc hơn quan hệ tình làng nghĩa xóm, đặc biệt là giúp cho ngư dân địa phương phát triển kinh tế có tính bền vững, giảm thiểu các yếu tố rũi ro để ngư dân yên tâm bám biển vươn ra khơi xa khai thác tiềm năng hải sản thuộc vùng lãnh hải quốc gia. Đây là hướng đi đúng trong xây dựng nông thôn mới rất cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, tổ chức tổng kết và nhân rộng ra toàn tỉnh.
Mỹ Hạnh