Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2011, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HTX đạt 1 tỷ đồng, lợi nhuận 100 triệu đồng. Bước sang năm 2012, con số tăng lên gần gấp rưỡi, ước tính năm 2013 tăng gấp đôi. Việc HTX đứng vững trong điều kiện cạnh tranh gay gắt theo anh Nguyễn Trọng Kha, Chủ nhiệm HTX, đó là nhờ Ban Quản trị chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với từng vụ, tìm hiểu nhu cầu của nông dân để cung cấp vật tư nông nghiệp đến tận hộ gia đình. Điều này thể hiện ở chỗ, mặc dù vốn hạn hẹp (khi mới thành lập chỉ có 200 triệu đồng của xã viên đóng góp) nhưng HTX vẫn mạnh dạn mở thêm chi nhánh ở xã Phước Thành, hoạt động dịch vụ nông nghiệp vì thế bao phủ rộng khắp trên địa bàn 4 xã: Phước Thắng, Phước Chính, Phước Đại, Phước Thành.
Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Phước Thắng nhập phân bón về đầu tư cho bà con vùng cao Bác Ái sản xuất vụ hè-thu.
Để tạo tính cạnh tranh cao, HTX liên kết với Công ty Nam Việt, Công ty Phân bón Năm Sao, Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố cung cấp phân bón, giống giá rẻ cho bà con. Đối với những hộ sản xuất trên quy mô lớn, HTX sẵn sàng đầu tư 100% vật tư nông nghiệp, chỉ đến cuối vụ mới thu tiền. Riêng các hộ sản xuất nhỏ lẻ, HTX chú trọng tư vấn kỹ thuật, vận động bà con sử dụng giống mới để tăng năng suất. Nhờ linh hoạt trong kinh doanh, nên bà con nông dân đến với HTX ngày càng đông. Hiện nay, bình quân mỗi vụ HTX cung cấp khoảng 300 tấn phân bón các loại, 5 tấn lúa giống để nông dân sản xuất 60 ha lúa, 150 ha mỳ và 20 ha bắp. Đầu tư đúng đối tượng, kịp thời, nên sản xuất của bà con có hiệu quả dẫn đến hoạt động thu mua nông sản diễn ra thuận lợi, bình quân mỗi vụ HTX mua 100 tấn lúa, 20 tấn bắp, 10 tấn măng tươi.
Từ chủ trương đẩy mạnh mở rộng liên doanh, liên kết, nên các mặt hàng nông sản HTX thu mua của bà con có đầu ra ổn định. Riêng măng khô do HTX chế biến tiêu thụ ở thị trường TP. Hồ Chí Minh được khách hàng ưa thích. Đáng mừng là, HTX vừa được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp “Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu măng khô”, điều kiện tốt để phát triển mặt hàng này trong tương lai. Anh Nguyễn Trọng Kha cho biết: HTX đang có kế hoạch mua máy sấy măng trị giá khoảng 200 triệu đồng để nâng khối lượng thu mua măng tươi lên 20 tấn trong thời gian tới.
Có thể nói, HTX Dịch vụ Tổng hợp Phước Thắng ngày càng “ăn nên làm ra” dần mở rộng các hoạt động dịch vụ qua từng thời vụ. Ngay vụ hè-thu này, HTX đã nhập về 80 tấn phân NPK và 10 tấn giống các loại để phục vụ bà con sản xuất; đồng thời, trực tiếp đầu tư trồng 9 ha mỳ và mở rộng thêm dịch vụ thu mua sản phẩm mỳ tươi để xắt lát phơi khô. HTX cũng đã liên kết với HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhận gia công đồ mỹ nghệ. Từ đầu năm đến nay, HTX phối hợp mở 2 lớp dạy đan lát cho 70 nông dân ở xã Phước Thắng, Phước Thành. Dự kiến cuối năm nay, HTX sẽ sản xuất đại trà các mặt hàng giỏ, mành, thảm, hộp, bàn ghế… bằng nguyên liệu mây, tre, lục bình, xuất khẩu qua Mỹ. Khi cơ sở đan lát hàng mỹ nghệ đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Đồng chí Ka-tơ Chiêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng nhìn nhận: Hoạt động của HTX đã thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, HTX có vai trò hết sức quan trọng, vừa làm dịch vụ, vừa chuyển giao khoa học-kỹ thuật để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Tuy vậy, cũng như nhiều thành phần kinh tế tập thể khác, HTX đang gặp khó khăn về vốn. Để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Trọng Kha đề xuất Liên minh HTX cần đứng ra quy tụ các HTX trên toàn tỉnh tổ chức xây dựng “Quỹ HTX” để hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên theo hình thức xoay vòng. Có thể xem đây là ý tưởng hay trong điều kiện các HTX khó tiếp cận vốn ngân hàng như hiện nay.
Anh Tùng