Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm A/H1N1

(NTO) Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm A/H1N1, nhất là khi một bệnh nhân ở huyện Ninh Phước vừa tử vong sau khi nhập viện vài ngày, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế khẩn trương, tích cực trong công tác phòng, chống dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh.

Bệnh nhân tử vong là ông Nguyễn D (59 tuổi), ở xã Phước Thái, (Ninh Phước). Qua lời kể của người nhà, ngày 30-5, ông D phát bệnh với các triệu chứng ho khan, sốt, tức ngực… Sau khi điều trị ở nhà được vài ngày, gia đình đã đưa ông đến bệnh viện huyện. Đến ngày 9-6, ông D được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông được chẩn đoán viêm phổi nặng và tử vong 2 ngày sau đó. Bác sĩ Lê Trọng Lưu, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết, ngày 11-6, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của ông D dương tính với vi-rút cúm A/H1N1. Đây là trường hợp đầu tiên ở tỉnh ta ghi nhận mắc cúm A/H1N1 và đã tử vong.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm A/H1N1, Sở Y tế đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khống chế, khoanh vùng tại khu vực bệnh nhân sinh sống, không để bệnh lây lan. Tiếp tục triển khai công tác giám sát dịch bệnh, tăng cường cảnh giác đối với trường hợp nghi mắc cúm A/H1N1, bố trí cơ sở vật chất, thuốc men, nhân lực cần thiết để điều trị kịp thời khi có trường hợp bệnh. Những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (bao gồm người nhà và nhân viên y tế) được giám sát chặt chẽ và theo dõi để kịp thời cách ly, xử lý bệnh nếu có biểu hiện của các hội chứng cúm.

Tại huyện Ninh phước, nơi có ca tử vong do cúm A/H1N1, cũng ráo riết thực hiện các biện pháp phòng dịch. Y sĩ Quảng Ngạnh, cán bộ Trạm Y tế xã Phước Thái, cho biết: Ngay sau khi xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1, Đội Y tế dự phòng huyện và Trạm Y tế xã đã khoanh vùng phun dung dịch tiêu độc khử trùng xung quanh nhà và khu vực lân cận nơi gia đình bệnh nhân sống; cấp Cloramin B cho gia đình bệnh nhân xử lý môi trường, ao nước và khu vực chăn nuôi gia cầm; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân trên địa bàn hiểu biết về các loại bệnh cúm, nhất là cúm A/H1N1, từ đó chủ động phòng bệnh một cách hiệu quả.

Tính đến thời điểm này, ngoài trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1, thì tỉnh ta chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H5N1 và H7N9. Tuy nhiên, để phòng chống dịch cúm A  một cách hiệu quả, không để bệnh lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh đã yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng vào cuộc. Bác sĩ Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trước tình hình bệnh cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp, ngành Y tế tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát tại các cơ sở điều trị và cộng đồng, phát hiện các trường hợp cúm có diễn biến bất thường hoặc viêm phổi chưa rõ nguyên nhân, lấy mẫu xét nghiệm để xử lý kịp thời; sẵn sàng tổ chức các đội cơ động chống dịch, đảm bảo trang - thiết bị, vật tư, hóa chất. Bên cạnh đó, không “lơ là” với bệnh cúm A/H5N1 và H7N9 nên Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm A (H1N1, H5N1, H7N9). Các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, huyện, Trung tâm Y tế huyện, thành phố tổ chức giám sát, phát hiện, thu dung, cách ly điều trị các trường hợp cúm...