Nâng cao hiệu quả chương trình phòng, chống bệnh lao

(NTO) Trong những năm qua, công tác phòng, chống bệnh lao ở tỉnh ta được đẩy mạnh trên các tuyến, nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của ngành Y tế trong công tác khám, điều trị và đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.

Hiện nay, mạng lưới phòng, chống lao được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở với một bệnh viện tuyến tỉnh, 7 trung tâm Y tế huyện, thành phố có phòng chuyên môn và 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên. 100% số bệnh nhân trên được quản lý, theo dõi và điều trị theo chiến lược DOTS ở cả 2 giai đoạn tấn công và củng cố, góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

 

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Bác sĩ Trần Trọng Danh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết: Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ là những yếu tố then chốt để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao. Mỗi bệnh nhân đến khoa Lao của bệnh viện được các cán bộ y tế thăm khám, tư vấn kỹ càng... Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện mới 327 bệnh nhân lao trên 2.456 người thử đàm, quản lý điều trị 869 bệnh nhân và 156 bệnh nhân lao được điều trị dứt điểm.

Bên cạnh công tác điều trị tại bệnh viện, thực hiện Chương trình chống lao quốc gia, ngành Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách lao tuyến cơ sở. Y sĩ Vạn Minh Oanh, cán bộ chuyên trách phòng, chống lao xã Phước Thái (Ninh Phước) cho hay: Nhờ tham gia các lớp tập huấn, những người làm chuyên trách ở trạm y tế như chúng tôi đã chủ động hơn; trong phát hiện, phân loại, quản lý điều trị bệnh, các phác đồ chữa bệnh lao theo quy định. Nhờ đó, việc lấy mẫu đàm xét nghiệm tầm soát bệnh lao được thực hiện thuận lợi, đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động theo phương thức “vãng gia” được thực hiện thường xuyên đến tận người bệnh, phục vụ tích cực công tác điều trị, hạn chế nguồn lây mới trên địa bàn. Một trong những thách thức hiện nay đối với công tác phòng, chống bệnh lao là vấn đề đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc do bệnh nhân bỏ dở việc điều trị làm gia tăng phức tạp và tốn kém trong điều trị; việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trong chiến lược DOTS đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tác động của đại dịch HIV/AIDS làm tăng gánh nặng bệnh lao; nguy cơ phát sinh nguồn lây mới trong cộng đồng chưa có giải pháp hữu hiệu… Do đó, việc phát hiện bệnh nhân mới cũng như phát hiện nguồn lây trong cộng đồng để quản lý và điều trị gặp nhiều trở ngại. Người bị bệnh còn ngại đi khám, e dè, giấu diếm nên khi đến cơ sở y tế bệnh đã nặng.

Giải pháp cho những khó khăn nêu trên, ngành Y tế đang tập trung huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống lao từ khâu đầu tư trang-thiết bị, đào tạo bác sĩ có chuyên môn cao, tiếp cận với phác đồ điều trị mới. Tăng cường kiểm soát lao phổi đa kháng và siêu kháng thuốc, lao kết hợp HIV, chiến lược chăm sóc sức khỏe phổi, trong đó có chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em. Thực hiện giám sát, thu dung và điều trị ngay từ tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và cộng đồng cùng ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này. Có như vậy, công tác phòng, chống bệnh lao của tỉnh mới đem lại hiệu quả cao hơn.