Giải đáp pháp luật về thi đua, khen thưởng

(NTO) Hỏi: Một số cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỏi: Trong đại hội công nhân viên chức, Chủ tịch Công đoàn cơ sở đứng ra phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị có phù hợp không?

Trả lời: Theo qui định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ thì trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong triển khai tổ chức phong trào thi đua như sau:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì, phối hợp với tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cùng cấp để tổ chức phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi mình quản lý, chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xứng đáng để khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng; tổ chức tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, giữ vững và phát huy tác dụng của các điển hình trong hoạt động thực tiễn.

Và theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 1, mục I, Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24/01/2011 của Bộ Nội vụ thì: “Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tổ chức phát động, triển khai phong trào thi đua thực hiện theo Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức phát động, triển khai thực hiện phong trào thi đua không ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức khác.”

Như vậy việc Chủ tịch Công đoàn cơ sở phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong đại hội công nhân viên chức là không phù hợp mà do thủ trưởng đơn vị thực hiện.