Vấn đề hôm nay:

An toàn cho người đi bộ, bao giờ?

(NTO) Trong tuần qua (từ ngày 6 – 12/5) tỉnh ta đã phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ lần thứ 2 của Liên Hợp Quốc với chủ đề: “Nâng cao an toàn cho người đi bộ”.

Theo đó, cùng với việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, đồng thời cảnh báo các nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi bộ… yêu cầu cũng đặt ra đó là tạo điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn cho người đi bộ; phát động người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ chủ động nhường đường cho người đi bộ…

 
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi đi trên vạch đường dành cho người đi bộ bảo đảm ATGT.
Ảnh: Sơn Ngọc

Nhìn lại trên địa bàn tỉnh ta, có thể nói trong những năm qua hầu hết các tuyến đường mới nhất là nội thành, trung tâm các huyện… đều dành hành lang, vỉa hè khá rộng cho người đi bộ; một số tuyến đường cũ đều được cải tạo, lát lại vỉa hè… Tuy nhiên, điều đáng nói là cùng với sự phát triển kinh tế thì vỉa hè ở những trục đường chính nhất là trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã không còn dành cho người đi bộ mà đã bị chiếm dụng thành nơi để xe, rửa xe, mua bán… Đơn cử như đường Thống Nhất, Quang Trung, Ngô Gia Tự, đường 21 Tháng 8… (Phan Rang) nhiều đoạn đã bị người bán hàng chiếm dụng. Vậy là người đi bộ chỉ còn biết đi xuống lòng đường và nếu thiếu cảnh giác thì rất dễ “đối mặt” với TNGT, bởi không ít trường hợp chạy xe phóng nhanh, vượt ẩu trên đường. Mặt khác, đối với nhiều người đi bộ cũng thường chủ quan khi băng qua đường nhất là thiếu quan sát các loại phương tiện đang đi tới. Trong 4 vụ tai nạn gây chết người thời gian qua trong đó đa phần lỗi từ phía người đi bộ.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo đảm an toàn cho người đi bộ?. Theo chúng tôi yêu cầu phải từ “hai phía”, đó là người đi bộ cần tuân thủ theo quy định như đi phải đi trên hè phố, lề đường, qua đường phải tuân thủ theo tín hiệu chỉ dẫn… Ngược lại, để đảm bảo các điều kiện cho người đi bộ thực hiện đúng quy định thì hạ tầng giao thông phải đảm bảo như vỉa hè, hành lang phải thông thoáng và không bị lấn chiếm để buôn bán như hiện nay. Một số tuyến phố kinh doanh cần tính đến việc phân luồng chỉ dành cho người đi bộ trong giờ cao điểm. Có biện pháp xử lý mạnh các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lề đường…

Chung quy lại, việc bảo đảm an toàn cho người đi bộ không phải là mới nhưng lại luôn có tính “thời sự”, bởi lẽ liên quan đến sự thông thoáng của vỉa hè, lề đường. Tuy không thể làm ngay trong một sớm, một chiều nhưng rất cần đến sự “ra tay” quyết liệt của cơ quan chức năng, đồng thời với đó là sự đồng thuận của người dân nhất là những hộ kinh doanh trên các tuyến phố.