Ảnh minh họa: vneconomy.vn
Ngày 13/5/2013, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã ký Quyết định số 749/QĐ-LĐTBXH Phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2012.
Điều tra được thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành của cả nước, phân theo 8 vùng là: Miền núi Đông Bắc; miền núi Tây Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ; Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam bộ; đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 28,552%; tiếp đến là miền núi Đông Bắc 17,39%; Bắc Trung bộ 15,01%; Tây Nguyên 15%; Duyên hải miền Trung 12,2%; đồng bằng sông Cửu Long 9,24%; đồng bằng sông Hồng 4,89%; Đông Nam bộ 1,27%.
10 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% là: Quảng Ninh 3,52%; Hà Nội 1,52%; Bắc Ninh 4,27%; Hải Phòng 4,21%; Đà Nẵng 0,97%; Tây Ninh 2,97%; Đồng Nai 0,91%; Bà Rịa – Vũng Tàu 1,71%; Tp Hồ Chí Minh 0,00033%; Long An 4,58%.
Một số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Điện Biên 38,25%; Lai Châu 31,82%; Hà Giang 30,13%; Cao Bằng 28,22%; Yên Bái 29,23%...
Về tỷ lệ hộ cận nghèo, vùng có tỷ lệ cao nhất là Bắc Trung bộ 13,04%; miền núi Tây Bắc 11,48%; Duyên hải miền Trung 9,32%; miền núi Đông Bắc 8,92%; đồng bằng sông Cửu Long 6,51%; Tây Nguyên 6,19%; đồng bằng sông Hồng 4,58%; Đông Nam bộ 1,08%.
Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 50,97% (năm 2011) và 43,89% (năm 2012), bình quân giảm trên 7%/năm;
Tỷ lệ hộ nghèo tại 07 huyện nghèo theo Quyết định 615/QĐ-TTg đã giảm từ 43,56% (năm 2011) xuống còn là 30,13% (năm 2011)giảm 13,43%; Tỷ lệ hộ nghèo tại 23 huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg cuối năm 2012 còn 43,14%.
Số hộ nghèo, hộ cận nghèo phê duyệt tại Quyết định này là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác năm 2013.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước; trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn. Người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện, xã nghèo giảm nhanh, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam