Có thể nói đây là kết quả từ sự nỗ lực của toàn ngành nói chung và các cơ sở du lịch nói riêng trong việc đầu tư từ cơ sở vật chất đến thái độ phục vụ, đáp ứng một phần nhu cầu, đồng thời tạo nên sự thân thiện… để hấp dẫn du khách.
Du khách Nga tham quan vịnh Vĩnh Hy trong dịp nghỉ lễ 30 Tháng 4 và 1 Tháng 5. Ảnh: Sơn Ngọc
Tuy nhiên, trong thực tế, không hẳn du khách nào đến cũng hài lòng để còn tiếp tục quay lại. Hầu hết du khách đều thừa nhận tỉnh ta có sức thu hút từ “nắng vàng”, “biển xanh”, một số điểm đến tham quan ấn tượng như tháp Po Klong Garai, các làng nghề: Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nhưng chỉ như thế là còn quá đơn điệu, nhất là ở khâu giới thiệu sản phẩm “thương hiệu” của làng nghề trên sản phẩm… mà du khách “cần” để lưu giữ kỷ niệm cho chuyến đi về địa danh Ninh Thuận!
Vấn đề cũng cần đặt ra là tình trạng vệ sinh môi trường tại các điểm đến du lịch cũng làm du khách nản lòng. Cụ thể, các bãi biển nhất là Bình Sơn – Ninh Chử rác không được thu dọn kịp thời cả trên bờ lẫn dưới biển. Các làng nghề đường đi vào vương vải nào rác, nào phân súc vật người dân nuôi thả rong… Đó là chưa nói đến vấn nạn người bán hàng rong chèo kéo du khách, người ăn xin tuy không nhiều nhưng cũng tạo nên hình ảnh phản cảm…
Vậy làm thế nào để thu hút lượng du khách đến với tỉnh ta ngày một tăng lên để vừa giới thiệu được phong cảnh, con người Ninh Thuận vừa giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho phát triển kinh tế nhất là trong mùa du lịch quốc gia (từ tháng 4 đến tháng 8-2013)?. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đó là quyết tâm thực hiện mục tiêu “3 không”: không rác, không hàng rong, không ăn xin tại các khu du lịch. Kèm theo đó là giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt cả động viên và xử lý hành chính nếu không chấp hành các quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch…
Suy cho cùng vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của đơn vị thực thi công vụ và ý thức của người dân trong việc chung tay vì sự phát triển du lịch tỉnh nhà.
Tuấn Dũng