|
Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh |
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh cúm A/H5N1 và H1N1 hiện nay như thế nào?
- Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc: Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến nay, cả nước có trên 300.000 người nhiễm cúm các loại, trong đó có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1; ngày 9-4, nước ta ghi nhận ca tử vong do cúm A/H5N1 đầu tiên là một bé trai 4 tuổi ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tính đến ngày 2-5, cả nước chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9.
Tại tỉnh ta, tính đến ngày 4-5, chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 và cúm A/ H1N1, tuy nhiên, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Phóng viên: Trước diễn biến khó lường của bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai giải pháp phòng, chống các loại bệnh cúm A như thế nào?
- Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch; Tổ giám sát, chống dịch; Tổ điều trị dịch cúm ở người từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1 và A/H7N9 và thông báo số điện thoại đường dây nóng (thường trực phòng, chống dịch) của đơn vị; duy trì giao ban hàng tuần, kiểm tra đôn đốc chỉ đạo tuyến dưới; rà soát danh sách các hộ nuôi chim yến, phun thuốc tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng, chống bệnh lây lan.
Phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn thường trực phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm; tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân. Tăng cường năng lực xét nghiệm, chuẩn bị thiết bị lấy chẩn đoán, đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh; tổ chức tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển.
Trung tâm Y tế dự phòng phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát ca bệnh có hội chứng cúm tại cộng đồng; nắm chắc tình hình dịch bệnh trên gia cầm, thủy cầm, chim yến trên địa bàn, báo cáo kịp thời cho ban chỉ đạo và phối hợp xử lý ổ dịch. Tăng cường tuyên truyền thông điệp khuyến cáo cộng đồng phòng, chống dịch cúm A của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong cộng đồng dân cư để cảnh báo nguy cơ phát dịch cúm, giúp người dân biết rõ về dịch bệnh, về biểu hiện bệnh, về các đường lây truyền và cách phòng tránh. Phát hành các tài liệu, tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đến hộ chăn nuôi, xây dựng pa-nô, áp phích về vệ sinh phòng dịch, phương pháp theo dõi phát hiện bệnh.
Phóng viên: Ngành Y tế có khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng tránh các bệnh cúm A?
- Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc: Bệnh cúm A hầu hết do nhiễm chủng vi rút cúm A có nguồn gốc từ gia cầm. Nguồn lây bệnh chưa được xác định rõ, chưa xác định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh. Đặc tính của vi-rút cúm A là thường xuyên biến đổi có thể thành chủng mới và dễ dàng lây truyền sang người. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào bảo vệ cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng. Chính vì vậy, để phòng tránh bệnh, người dân nên chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng bệnh cúm A/H5N1, không sử dụng thịt gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Diễm My