Kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng ninh thuận (16/4/1975 - 16/4/2013); giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013):

Chiến thắng 16-4-1975 - mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận

LTS: Nhằm ôn lại truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Báo Ninh Thuận giới thiệu đến bạn đọc Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975-16-4-2013); giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2013) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn.

I. CHIẾN THẮNG 16-4-1975-MỐC SON CHÓI LỌI TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN NINH THUẬN

a. Diễn biến:

Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ mưu toan tiêu diệt bằng được phong trào cách mạng của nhân dân ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng để tiến công miền Bắc, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, phô trương sức mạnh, hòng đe dọa các dân tộc Á, Phi, Mỹ-Latinh đang nổi dậy giành độc lập. Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử to lớn.

Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - Ngụy. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, ngày 10 và 11-3-1975, quân ta tiến công bằng các binh chủng hợp thành giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trước tình hình thắng lớn của ta ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Đến ngày 24-3, quân ta đánh thắng cuộc phản kích của Sư đoàn 23 ngụy, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên và nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung.

Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc Duyên Hải miền Trung, Ngụy quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, ra lệnh rút quân lui về co cụm, lập Bộ tư lệnh tiền phương, xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn, lấy Du Long- cách thị xã Phan Rang 30 km về phía Bắc làm nơi chốt chặn chủ yếu; quyết tử thủ ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại đây, địch tăng cường tập trung lực lượng, gồm Sư đoàn không quân số 6, 2 Trung đoàn và Tiểu đoàn bộ binh, 1 Liên đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện. Với “Tuyến phòng thủ từ xa”, chúng hòng củng cố lại tinh thần binh lính sau hàng loạt thất bại thảm hại trên các chiến trường, ngăn chặn thế tiến công thần tốc của quân ta; bảo vệ từ xa bộ máy đầu não Ngụy quyền tại Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Đứng trước thời cơ ngàn năm có một, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm : “Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, với quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”. Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh uỷ Ninh Thuận: “Thời cơ đã đến, Tỉnh uỷ Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kềm, giải phóng quê hương”.

Sau khi tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng được giải phóng, trong các ngày 1 đến 3-4-1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang. Chớp thời cơ, ta mở các đợt công kích địch đánh chiếm các ấp ở Sông Mỹ; sau đó lần lượt đánh chiếm các ấp ven đường 11 từ Krông-Pha đến Đèo Cậu, giải phóng quận Krông-Pha. Mặc dù địch dùng nhiều máy bay kết hợp với xe tăng, pháo binh, bộ binh đánh phá ác liệt vào vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, nhưng quân và dân Ninh Thuận vẫn kiên cường bám trụ, bẻ gãy tất cả đợt phản kích của địch. Được sự chỉ đạo của Quân khu 6, Tỉnh uỷ Ninh Thuận chỉ đạo rút bộ đội địa phương của 2 huyện Bác Ái, Anh Dũng cùng một số đơn vị khác của tỉnh để bổ sung cho Tiểu đoàn 610, làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, bảo vệ quận Krông -Pha và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực vào giải phóng Phan Rang.

Chiều ngày 7-4-1975, tại Tháp Chàm trong lúc tinh thần địch hoang mang rối loạn, lực lượng ta bung ra khống chế bọn tề điệp, ác ôn và dân vệ. Đến 19 giờ tối cùng ngày, lực lượng vũ trang thị xã và du kích mật tấn công Trại Nguyễn Hoàng, Ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm và quận lỵ Bửu Sơn. Địch ở sân bay Thành Sơn tung lực lượng ra phản kích quyết liệt. Đại đội 311 được dân quân du kích và nhân dân Xóm Dừa giúp đỡ đã anh dũng chiến đấu suốt 2 ngày đêm trong lòng địch, đánh lui 16 đợt phản kích của chúng. Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, đồng chí Thượng tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh cánh quân duyên hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 của Quân khu 5, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6, tăng cường 2 đại đội đặc công và công binh cùng với các lực lượng của Ninh Thuận chuẩn bị tấn công “Tuyến phòng thủ từ xa”. Tỉnh uỷ Ninh Thuận hạ quyết tâm cao nhất, lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ - Ngụy, giải phóng tỉnh nhà.

Sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến 7 giờ sáng ngày 14-4-1975, Sư đoàn 3 bộ binh ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến Phòng thủ từ xa”. Sáng ngày 16-4-1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn và mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Đến 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

b. Nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận:

Một là, Đảng bộ Ninh Thuận quán triệt quan điểm sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, đã huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Hai là, nhờ nắm vững đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; phát huy sức mạnh nhân tài, vật lực của địa phương là chính, đồng thời vận dụng có hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh trong cả nước.

Ba là, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, không ngừng xây dựng và củng cố phát triển lực lượng võ trang, phát triển chiến tranh du kích, liên tục tấn công địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giành thắng lợi cuối cùng.

Bốn là, xây dựng căn cứ địa, tạo thế vững chắc để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài cho đến ngày giành thắng lợi.

Năm là, sự lãnh đạo chủ động, trực tiếp của Đảng bộ, giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

II.CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH TOÀN THẮNG, MIỀN NAM VIỆT NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975)

Từ sau chiến thắng Buôn ma Thuột, Chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên và Khu V, giải phóng ven biển miền Trung, ngụy quân, ngụy quyền tan rã từng mảng, hoang mang và hỗn loạn, lâm vào thế thất bại hoàn toàn không thể cứu vãn nổi, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 01-04-1975 kịp thời bổ sung thêm quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975, và ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Với khí thế quyết chiến, quyết thắng, tất cả vì chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam, quân và dân các tỉnh ven biển Cực Nam Trung bộ phối hợp chiến đấu cùng cánh quân duyên hải tiến quân thần tốc, vừa đi vừa đánh địch, giải phóng tỉnh Bình Thuận ngày 19-4, đến 20-4 đại quân ta tiến tới Rừng lá, cách Xuân Lộc 20 km, khống chế cánh cửa phía Đông của quân ngụy Sài Gòn.

17 giờ ngày 26-4-1975, ta bắt đầu tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn -Gia Định, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực ngụy, sau đợt tấn công cuối cùng, đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ đỏ sao vàng lên nóc Dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 30-4-1975 trở thành ngày Hội mừng chiến thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi vĩ đại này, nhân dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh với qui mô lớn nhất và ác liệt nhất của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX, do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc Việt Nam trên con đường dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm lịch sử. Có được thắng lợi như vậy xuất phát từ đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta kết hợp tài tình 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở 2 miền đất nước nhưng cùng nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, với đường lối ấy, Đảng đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến thắng 30-4-1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện được ước nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, Bắc -Nam sum họp một nhà.

Thắng lợi của Việt Nam đã củng cố niềm tin và cổ vũ sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Lào và Campuchia đi đến toàn thắng, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

III. ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN NINH THUẬN PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC, RA SỨC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH

Từ khi có Đảng lãnh đạo, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết, đấu tranh kiên cường, viết lên trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ, trong điều kiện vô cùng khó khăn, bởi xa sự chỉ đạo của Trung ương, bị địch đánh phá khốc liệt, song bằng ý chí cách mạng, với tinh thần tự lực tự cường, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã chiến đấu anh dũng giành thắng lợi to lớn. Ngày 16 tháng 4 năm 1975 Ninh Thuận được giải phóng, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, Ninh Thuận cùng với cả nước bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trãi qua 38 năm bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương (1975-2013), toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân Ninh Thuận đã đoàn kết, phát huy sức mạnh các nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và là vùng nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với Nam Trung bộ và Tây nguyên.

Nhìn lại năm 2012, trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước,... đã tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Song với sự ưu tiên hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, sự quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, sự điều hành quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền, cùng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân, tỉnh nhà đã đạt được những kết quả phấn khởi, phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được duy trì và tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 10,3%; GDP bình quân đầu người đạt 19,1 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt 1.320 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm. Tổng chi ngân sách tỉnh ước đạt 3.143 tỷ đồng, bằng 114,2% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.195 tỷ đồng. Giá trị gia tăng các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp tăng 4,4%, thủy sản tăng 5%, dịch vụ tăng 14,5%. Các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đạt một số kết quả bước đầu.

Văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa – thể thao có bước phát triển khá, đáp ứng được yêu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, tai nạn giao thông giảm. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đạt được những kết quả bước đầu. Qua đó, đã chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, tiếp tục có sự đổi mới về nhận thức và cách thức vận động quần chúng theo hướng gần dân, sát dân, hiểu dân; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và đồng thuận trong nhân dân, phát huy được sức mạnh của nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - chính trị của địa phương.

Ôn lại truyền thống ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta càng tin tưởng và quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trước mắt là nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nhà trong năm 2013. Ninh Thuận tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực vượt khó, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, môi trường và đảm bảo an sinh phúc lợi xã hội; giữ vững quốc phòng – an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đó là những hành động thiết thực kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975), giải phóng miền Nam (30-4-1975) và xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.