Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển

Đồng chí Hồ Văn Hùng
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy
Khối các cơ quan tỉnh

(NTO) Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh hiện có gần 1.900 đảng viên sinh hoạt ở 53 chi, đảng bộ trực thuộc, với đặc thù là Đảng bộ cấp trên cơ sở không có chính quyền cùng cấp, các cơ sở của Đảng bộ chủ yếu là các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan lãnh đạo, quản lý của tỉnh, làm công tác tham mưu, phục vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực từ phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ có trình độ chính trị, chuyên môn cao; cấp ủy cơ sở đa số là những người đảm đương những chức vụ chủ chốt, trọng yếu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cấp tỉnh.

Nhận thức sâu sắc kết quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ có tác động quan trọng đến sự phát triển toàn diện của tỉnh. Đặc biệt, từ thực trạng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối và tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với phương châm tập trung cho cơ sở nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Đây là một giải pháp nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với nội dung, giải pháp cụ thể là:

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ và đội ngũ đảng viên, thực hiện đúng quy định về nền nếp và nguyên tắc sinh hoạt chi bộ. Chi bộ phải đảm bảo sinh hoạt định kỳ một tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng, sinh hoạt chuyên đề mỗi quý một lần; mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu thực hiện đầy đủ các buổi sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ cần thực hiện đúng các nguyên tắc của tổ chức Đảng, mở rộng và phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên phát huy vai trò, trí tuệ, thể hiện chính kiến và bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của mình; tạo điều kiện để đảng viên được trao đổi, thảo luận, quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên.

 
ĐV-TN Khối các cơ quan tỉnh hướng dẫn học sinh Trường THCS bán trú Đinh Bộ Lĩnh
(xã Phước Bình, Bác Ái) sử dụng internet phục vụ học tập. Ảnh: T.Duy

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, trách nhiệm của chi uỷ, chi bộ đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đồng chí Bí thư chi bộ cùng chi uỷ cần chủ động chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, thông báo trước nội dung, địa điểm, thời gian để đảng viên tham gia và chuẩn bị ý kiến phát biểu. Các buổi sinh hoạt phải ghi biên bản thể hiện rõ nội dung sinh hoạt, nghị quyết được thể hiện bằng văn bản, lưu trữ tài liệu, hàng năm sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện. Việc ra nghị quyết của chi bộ cần cụ thể, thiết thực, khả thi, không trùng lặp; nêu rõ nội dung, yêu cầu, biện pháp thực hiện, thời gian hoàn thành và phân công người thực hiện, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết của chi bộ.

Định kỳ 6 tháng một lần, các Đảng uỷ cơ sở kiểm tra về sinh hoạt chi bộ; nghe các chi bộ phản ánh tình hình và kiểm tra sổ biên bản, phân công cấp uỷ dự sinh hoạt chi bộ để rút kinh nghiệm, sau đó thông báo để các chi bộ biết, trao đổi kinh nghiệm và học tập nhau. Tổng kết hàng năm của các đảng bộ có nội dung kiểm điểm, đánh giá về việc duy trì nền nếp sinh hoạt và thực hiện nghị quyết về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ đảm bảo tính thiết thực và phù hợp với đặc điểm mỗi loại hình TCCSĐ; khắc phục được tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, gắn nâng cao chất lượng sinh hoạt với việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo từng chủ đề với những tiêu chí cụ thể, phù hợp từng lĩnh vực công tác của cán bộ, đảng viên. Chi bộ, chi ủy thường xuyên nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được chi bộ phân công, kể cả đảng viên do cấp uỷ cấp trên quản lý; kịp thời biểu dương những đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc và giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên; có kế hoạch giúp đỡ những đảng viên gặp khó khăn để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, giám sát và rèn luyện đội ngũ đảng viên.

Chăm lo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ bí thư chi bộ và cấp uỷ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập thể cấp uỷ, trước hết là đồng chí bí thư cần đầu tư thời gian, trí tuệ cho công tác xây dựng Đảng, nhất là đầu tư nghiên cứu nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ. Các cấp uỷ đảng chú trọng kiện toàn đội ngũ chi uỷ bảo đảm số lượng, chất lượng; chi uỷ, nhất là bí thư chi bộ có phẩm chất, năng lực, tín nhiệm, nhiệt tình với công tác xây dựng Đảng (chú trọng phẩm chất và năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, của cấp uỷ), tiêu biểu cho chi bộ, đoàn kết, tập hợp được cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị.

Đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cấp uỷ đảng với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tạo cơ chế, sự phối hợp và những điều kiện cần thiết đảm bảo hoạt động của chi bộ và xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; xác định rõ mối quan hệ của chi uỷ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Với những giải pháp nêu trên và với tinh thần, phương châm kiên quyết, kiên trì, giữ đúng nguyên tắc sẽ là chìa khoá để Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh và các cấp uỷ TCCSĐ trong khối thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.