Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi): Về vấn đề “Thu hồi đất”

(NTO) Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi), tôi xin đóng góp ý kiến trên một số nội dung liên quan đến vấn đề “Thu hồi đất” như sau:

1/ Dự thảo luật quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất bao gồm: thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội và các lý do thu hồi khác.

Theo tôi, việc sắp xếp các loại dự án, công trình có sử dụng đất trong các điều luật nêu trên chưa thật hợp lý. Chẳng hạn, ghép chung hai nội dung: thực hiện các dự án phát triển kinh tế và các dự án phát triển xã hội là không phù hợp, bởi lẽ các dự án phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận về kinh tế trong khi các dự án phát triển xã hội chủ yếu chỉ mang lại lợi ích về mặt xã hội, nâng cao mức sống tinh thần cho nhân dân. Do đó các chính sách bồi thường đối với hai loại dự án này phải khác nhau.

Mặt khác, trong số các dự án phát triển xã hội và các dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nhưng có mục đích kinh tế, có lợi nhuận như các công trình giao thông, điện lực, thủy lợi, thông tin, cấp nước, nhà ở xã hội, v.v… cũng phải có chính sách thu hồi đất khác với các dự án phát triển xã hội, lợi ích công cộng thuần túy.

Do vậy tôi xin đề nghị:

Cần tách riêng các dự án phát triển kinh tế, trong đó có các dự án phát triển xã hội, vì lợi ích công cộng nhưng có mục đích kinh tế kèm theo trong cùng một điều luật để có chính sách thu hồi đất phù hợp, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người có đất bị thu hồi.

Cần ghép chung các dự án phát triển xã hội thuần túy và các dự án xây dựng công trình thuần túy vì lợi ích công cộng vào chung một điều luật để thực hiện chính sách bồi thường khi thu hồi đất như nhau, tạo điều kiện để nhân dân đồng tình thuận lợi hơn.

Như vậy, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất thể hiện trong chương VI, mục I: “Thu hồi đất” được sắp xếp lại như sau:

Điều 59: các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 60: các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, lợi ích xã hội.

Điều 61: các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế.

Điều 62 đến Điều 64 giữ nguyên như Dự thảo.

2/ Về thời hạn thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất.

Thời hạn từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo quyết định thu hồi đất đến khi người có đất chấp hành quyết định thu hồi đối với các loại đất: nông nghiệp 90 ngày, phi nông nghiệp 180 ngày là quá ngắn, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người có đất bị thu hồi thực hiện các quyền khiếu nại, nghiên cứu pháp luật để tự giác chấp hành quyết định hoặc thỏa thuận với các doanh nghiệp để chấp hành quyết định và tự giải quyết các hậu quả về sản xuất, kinh doanh, thay đổi chỗ ở, v.v… do đất và các tài sản gắn liền bị thu hồi.

Thời hạn hợp lý cần quy định: đối với đất nông nghiệp thời hạn chậm nhất là 180 ngày và đất phi nông nghiệp là 300 ngày.

3/ Về việc quản lý, sử dụng quỹ đất đã thu hồi.

Nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân có đất bị thu hồi thì một trong những yêu cần quan trọng nhất là đất thu hồi xong là phải sử dụng vào đúng mục đích sử dụng ngay, đặc biệt là đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế.

Cần phân biệt các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và các dự án do các doanh nghiệp đầu tư để có quy định về việc quản lý và sử dụng quỹ đất đã thu hồi khác nhau nhằm giải quyết tình trạng các nhà đầu tư là doanh nghiệp dựa vào nhà nước để “treo” dự án, gây thiệt hại về lợi ích của nhà nước và người dân có đất bị thu hồi.

Theo đó, đối với các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, xây dựng công trình công cộng, phát triển xã hội thì đất đã thu hồi có thể giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý đối với trường hợp chưa triển khai dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Đối với các dự án phát triển kinh tế thì giao ngay cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án. Nếu quá 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện dự án mà không được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì nhà nước phải thu hồi.