HĐND tỉnh: Giám sát hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ

(NTO) Thực hiện Nghị quyết 22/2012/NQ-HĐND, ngày 21/12/2012, của HĐND tỉnh, ngày 26-3, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh tổ chức đợt giám sát chuyên đề về “Hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2010-2012; nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2013-2015”.

Trong giai đoạn 2010-2012, ngành KH&CN đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, ban hành các chương trình hành động, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ khoa học công nghệ như chương trình hành động số 22-CTr/TU, chỉ thị số 35-CT/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kế hoạch số 475/KH-UBND về thực hiện chương trình 22-CTr/TU.

 
Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí
cho hoạt động khoa học công nghệ.

Ngành cũng đã tham mưu nhiều văn bản quy định nhằm hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đánh giá về việc phân bổ kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ 2010-2012, Ninh Thuận là tỉnh được Trung ương phân bổ ngân sách cho KH&CN thấp so với bình quân cả nước, theo số liệu thống kê 2012, kinh phí sự nghiệp KH&CN phân bổ bằng 70% và kinh phí đầu tư phát triển bằng 8,5% mức phân bổ bình quân cho các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Công tác nghiên cứu triển khai chiếm tỉ trọng kinh phí từ 60-70% , số còn lại phân bổ cho các hoạt động chuyên ngành khác của Sở. Đánh giá hiệu quả đầu tư cho KH&CN trong 3 năm qua đã có 30 đề tài, dự án với 47 sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất và đời sống, có 01 bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài, các bài báo đăng trên tạp chí của Bộ, ngành trường đại học.., đào tạo cho tỉnh 01 Tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh và 04 thạc sĩ. Hoạt động khoa học cơ sở có những bước chuyển biến tích cực, thu hút được người dân tham gia, trực tiếp tạo ra những sản phẩm có chất lượng, năng suất vượt trội nhờ áp dụng KH&CN. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ, thông tin khoa học công nghệ cũng từng bước phát triển và tạo động lực sản xuất trong doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn không ít khó khăn, bất cập về cơ chế thanh quyết toán, cơ chế đầu tư, phân bổ nguồn lực tài chính khoa hoạt động khoa học công nghệ, năng lực, tiềm lực nghiên cứu, bộ máy khoa học công nghệ ở tuyến huyện thành phố còn mỏng và yếu. Qua kết quả giám sát, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã kiến nghị các ngành có liên quan cần phân tích làm rõ vấn đề sử dụng nguồn lực nói chung cho hoạt động khoa học công nghệ, đánh giá một cách tổng quan và rõ nét về kinh phí, hiệu quả ứng dụng thực tiễn của các đề tài nghiên cứu khoa học làm cơ sở để Ban Kinh tế ngân sách tổng hợp, làm việc với các ngành có liên quan, các huyện thành phố và tổng hợp kiến nghị báo cáo UBND tỉnh trong kỳ họp thường kỳ năm 2013.