Kết quả này được công bố sau khi các nhà khoa học tiến hành giải mã gien tế bào ung thư thực quản của 149 bệnh nhân và so sánh chúng với các tế bào của những người khỏe mạnh, nhằm xác định dấu hiệu biến thể gien có thể gây ra bệnh ung thư tuyến thực quản (EAC).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Gien là những đoạn ADN mang các hướng dẫn hoạt động cho tế bào. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy sự lặp lại thường xuyên của một loại đột biến gien đặc biệt ở những người mắc bệnh ung thư thực quản, rất có thể do bệnh trào ngược axit (ERD) gây ra. Các nhà khoa học cho rằng chính sự trào ngược axít mãn tính đang gây ra dạng phá hủy ADN đặc biệt này, nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư thực quản.
EAC thường bắt nguồn từ một căn bệnh có tên gọi là Barret thực quản, thực chất là tình trạng lớp mô lát bên trong lòng thực quản bị thay thế bởi lớp mô tương ứng với niêm mạc ruột, mà hiện tượng này thường gây ra do bệnh trào ngược axít mãn tính. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc căn bệnh này đã tăng tới 600% trong vòng 30 năm qua, đặc biệt là ở các nước phương Tây.
Mỗi năm, bệnh ung thư thực quản đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15.000 người Mỹ và 400.000 người trên toàn thế giới. Theo điều tra, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư thực quản loại này (ung thư ống cơ nối từ miệng đến dạ dày) sau 5 năm mắc bệnh chỉ khoảng 15-20 %.
Ung thư phát triển khi ADN của tế bào trong cơ thể người bị đột biến, khiến chức năng bình thường của tế bào bị phá vỡ và sau đó phát triển đến mức vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, bao gồm béo phì, hút thuốc lá, tiếp xúc với tia cực tím của mặt trời và ô nhiễm môi trường.
Các đột biến gien khác nhau gây ra các bệnh ung thư khác nhau, tuy nhiên cũng có sự khác biệt lớn ngay trong những người có hình thức bệnh giống nhau. Chính vì thế việc phát hiện ra biến thể mới sẽ là manh mối cụ thể nhất, giúp tìm ra loại thuốc đặc hiệu cho căn bệnh này.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN