Hiệu quả bước đầu ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm từ rong sụn

(NTO) Sau gần 3 năm thực hiện Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất chế biến thực phẩm từ rong sụn, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) cho ra 4 nhóm sản phẩm, gồm: Kẹo rong sụn, mứt đông rong sụn, rong sụn khô dạng tấm tẩm gia vị và rong sụn muối dưa tẩm gia vị.

Thạc sĩ Hán Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Dự án được triển khai vào tháng 6-2010, với mục tiêu chung là phát triển ngành công nghệ chế biến thực phẩm từ nguồn nguyên liệu rong sụn sẵn có ở địa phương.

Các sản phẩm chế biến từ rong sụn tăng giá trị nông sản của nông dân.

Để thực hiện dự án, Trung tâm đã xây dựng xưởng sản xuất công suất 100 kg/ngày. Toàn bộ kinh phí lắp đặt các thiết bị sản xuất như máy chà, nồi đun, thiết bị làm lạnh, tủ sấy đối lưu, máy ép, thiết bị thanh trùng… từ nguồn vốn của Trung ương và một phần vốn đối ứng địa phương. Quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên tất cả 4 nhóm sảm phẩm đều đạt chỉ tiêu vi sinh theo quy định của Bộ Y tế.

Kết quả dự án góp phần tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái biển; trang bị kiến thức cho nông dân sản xuất, nuôi trồng rong sụn, tiếp thu công nghệ mới về sơ chế, bảo quản nguyên liệu.

Đề cập đến khả năng nhân rộng mô hình, theo đồng chí Hán Văn Chấn, tới đây, Trung tâm sẽ xây dựng dự án hỗ trợ sinh kế cho nhân dân xã Vĩnh Hải, thuộc Dự án Bảo vệ san hô của Viện Hải Dương học. Hình thành Doanh nghiệp khoa học công nghệ, tiếp nhận các quy trình công nghệ để hoàn thiện sản phẩm, đưa ra thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chuyển giao một số mô hình sản xuất phù hợp với qui mô đến hộ gia đình.

Hiện tại, Trung tâm đã mở 12 buổi tập huấn cho nông dân đang canh tác rong sụn tại các xã: Phước Diêm, Phước Dinh (Thuận Nam), xã Tri Hải, Nhơn Hải và Thanh Hải (Ninh Hải) với trên 700 lượt người tham dự. Qua tập huấn, bà con nắm được kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và quy trình bảo quản trong sản xuất chế biến rong sụn. Các hộ nhận thức được giá trị sản phẩm rong sụn, từ đó mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng, khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước ven biển, góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống.