Điện gió công nghệ mới của Nga

(NTO) Theo báo cáo chi tiết khảo sát về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ “tốt” đến “rất tốt” để xây dựng các trạm điện gió.

Ninh Thuận là địa phương có năng lượng điện gió tốt nhất trong cả nước, có khả năng phát triển điện gió với quy mô công nghiệp tại hầu hết các huyện, thành phố. Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020 thì tiềm năng điện gió lý thuyết đạt 10.447 MW với diện tích trên 260.000 ha. Sau khi loại trừ diện tích có trùng lập với các quy hoạch khác và vùng đệm cách xa khu dân cư thì tiềm năng điện gió kỹ thuật và diện tích có tính khả thi cao là 1.442 MW với 21.642 ha.

Tổ máy phát điện gió InS-W-35 (35 KW) đang thử nghiệm ở Nga.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhận ra tiềm năng điện gió của Ninh Thuận và đang tích cực triển khai đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng đến nay, Ninh Thuận chưa có dự án điện gió thực sự khởi công xây dựng. Ngoài nguyên nhân về năng lực tài chính, quyết tâm của nhà đầu tư thì “rào cản” lớn nhất là giá bán điện gió đã được nhà nước hỗ trợ hiện nay là 7,8 UScents/kwh (khoảng 1.630 đồng/kwh) với giá bán điện như trên cộng với giá bán quyền phát thải khí CO2 xấp xỉ 01 UScents/kwh thì các nhà đầu tư điện gió sử dụng công nghệ từ các nước Mỹ, Châu Âu và cả Trung Quốc chưa thể có lợi nhuận được.

Giới thiệu tổ máy điện gió InS-W-1000 sử dụng công nghệ mới của Nga : Tổ máy phát điện chạy bằng sức gió InS-W-1000, công suất 1.000 kW của Nga (Công ty TNHH Hệ thống Sáng tạo) với bằng sáng chế “Lắp đặt năng lượng gió” do Liên Bang Nga cấp số 2010113591/06 và đăng ký sáng chế quốc tế số PCT/RU2010/000751 “Lắp đặt năng lượng gió” của Giáo sư, Viện sĩ Anatoli Bakanov đã được Ông B.V Gusev Chủ tịch Viện Hàn Lâm Kỹ thuật Liên Bang Nga và Quốc tế phê duyệt chứng nhận kết quả thực nghiệm ngày 20/9/2010 (mô hình có công suất 35 kW).

Thông số kỹ thuật của tổ máy điện gió InS-W-1000 : Công suất 1.000 kW; Tốc độ gió tối thiểu 3 m/s ; Tốc độ gió hoạt động tối đa 60 m/s ; Tốc độ gió đạt công suất định mức 10 m/s; Tiếng ồn ở mức 8 m/s ít hơn 43 dB ở khoảng cách 200 m; Nhiệt độ động hoạt động - 60o C đến + 60o C; Điện áp 380 – 400 V; Tần số 50 – 60Hz; Tuổi thọ 25 năm; Số lượng rotor 2; Số cánh của một rotor 5; Đường kính cánh 55 m; Vị trí đặt rotor ngược chiều gió; Các hệ cánh quạt được thiết lập để quay theo 2 hướng ngược nhau; Bề mặt quét của cánh quạt 2.376 m2 ; Trọng lượng hộp số 4.000 kg; Loại hộp số vi sai; Chiều cao cột 50m ÷ 70m; Vật liệu cột Bê tông cốt thép hoặc cột thép.

Những đặc tính ưu việt của tổ máy điện gió InS-W-1000 so với các tổ máy điện gió có cùng công suất tương tự khác trên thế giới : Vận tốc gió định mức 8 ÷ 10 m/s (so với 12 ÷ 14 m/s); Công suất với vận tốc của gió 8 m/s đạt 645 KW (so với 200 ÷ 300 KW); Số lượng cánh quạt 10 cánh (so với 3 cánh); Hộp số vi sai (so với truyền động cố định); nối mạch trực tiếp vào mạng lưới điện chung (so với kết nối qua trạm biến áp); Mức sản xuất năng lượng hàng năm với tốc độ trung bình năm của gió là 4,8 m/s trên mặt đất đạt 4.863.400 kwh (so với 2.500.000 kwh); Thời hạn hoàn vốn 5 – 6 năm (từ 10 năm trở lên); Tần số âm thanh 20 – 40 Hz như tiếng xào xạc của lá cây (2 – 8 Hz hạ âm, tác động tâm lý),...

Tổ máy điện gió InS-W-1000 ứng dụng công nghệ mới là sử dụng hai hệ cánh đồng trục quay ngược chiều nhau, vận hành được với tốc độ gió thấp từ 3 m/s và đạt công suất định mức ở vận tốc gió từ 8-10 m/s (công nghệ khác phải từ 12-14 m/s) rất phù hợp với điều kiện gió tại Ninh Thuận; Hiệu suất chuyển đổi từ năng lượng gió qua điện năng rất cao, hiệu suất hữu ích lên đến 80% cao hơn nhiều so với loại điện gió 03 cánh truyền thống (hiệu suất hữu ích tối đa đạt 30%); Truyền chuyển động qua hộp số đa cấp đặc biệt tới trục máy phát điện ổn định nên sản xuất ra điện năng với tần số, điện áp, góc lệch pha,... ổn định (công nghệ khác phải qua bộ ổn áp, ổn tần số và thiết bị đồng bộ góc lệch pha); Việc đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia rất dễ dàng, không cần sử dụng thêm các bộ phận phụ trợ hòa đồng bộ, giảm thiểu được chi phí đầu tư thiết bị và vì thế giá thành sản xuất điện thấp rất nhiều; Đặc biệt hơn là tổ máy điện gió InS-W-1000 không tạo ra sóng hạ âm, không làm ảnh hưởng đến môi trường đời sống động vật cũng như con người,.... Tổ máy điện gió InS-W-1000 trên thế giới và Việt Nam chưa có, nhưng khả năng triển khai sản xuất thử nghiệm và lắp đặt tại Ninh Thuận là hiện thực, có tính khả thi cao.

Ninh Thuận sẽ lắp đặt 03 tổ máy điện gió với công nghệ mới của Nga : Tổ máy điện gió InS-W-1000 hiện nay chưa là sản phẩm thương mại. Nhằm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới từ Liên Bang Nga. Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga được thành lập theo Giấy chứng nhận đầu tư số 411022000682, do UBND Tp. HCM cấp ngày 14/6/2012, gồm 04 đơn vị thành viên góp vốn : Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty TNHH Hệ thống Sáng tạo (phía Nga); Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới thuộc Sở KH&CN Tp.HCM; Công ty cổ phần EVN Quốc tế.

Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga chủ trì triển khai dự án sản xuất thử nghiệm và lắp đặt 03 tổ máy điện gió InS-W-1000. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng (Từ 07/2012 đến 07/2014); Tổng vốn thực hiện dự án dự kiến 146 tỷ đồng, trong đó: Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học (không có thu hồi) 42 tỷ đồng, xấp xỉ 30 % tổng kinh phí thực hiện dự án theo Thông tư số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21/02/2011 về việc hướng dẫn việc quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí. Vốn thực hiện dự án còn lại 104 tỷ đồng của Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga đầu tư. Các bước triển khai dự án, như sau:

+ Giai đoạn 1: Sản xuất thử nghiệm 3 tổ máy phát điện gió InS-W-1000 với công suất 3x1 MW tại Nga, lắp đặt 3 tổ máy phát điện gió tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận vào quý IV/ 2013.

+ Giai đoạn 2: Sau khi sản xuất thử nghiệm và lắp đặt kiểm tra các thông số về kỹ thuật, công nghệ thành công, tiếp tục sản xuất từ 30 - 50 tổ máy phát điện gió InS-W-1000 cũng tại Nga và định hướng lắp đặt tại Việt Nam.

+ Giai đoạn 3: Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, phía Nga - Công ty TNHH Hệ thống Sáng tạo sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất tổ máy phát điện gió InS-W-1000 cho Cty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga đưa vào sản xuất với quy mô công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Thuận.

Tổ máy điện gió InS-W-1000 sử dụng công nghệ mới của Nga sau khi sản xuất thử nghiệm, lắp đặt tại Ninh Thuận để kiểm tra các thông số kỹ thuật, nếu thành công sẽ mở ra cho Tp. HCM và Ninh Thuận một ngành sản xuất điện gió công nghệ cao, có tính cạnh tranh ưu việt và sẽ thay thế các tổ máy điện gió 3 cánh phổ biến hiện nay trên thế giới. Ngành năng lượng điện gió sẽ mở ra kỷ nguyên mới cạnh tranh cùng các dạng năng lượng truyền thống.