Ninh Hải: Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong bảo quản nông sản sau thu hoạch

(NTO) Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng hành tím, tỏi trên đất cát, nông dân huyện Ninh Hải đang từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào canh tác, nâng cao chất lượng nông sản.

Bà con cũng bắt đầu quan tâm đến công đoạn bảo quản sau thu hoạch bằng việc xử lý trước và sau khi phơi, phun thuốc xử lý mầm bệnh trước khi nhập kho, đầu tư trang- thiết bị kỹ thuật nhà kho… Nhờ vậy, thời gian gần đây sản phẩm củ hành tím, tỏi không chỉ đạt năng suất cao, giá bán tăng mà còn tạo được uy tín trên thị trường giống.

Nông dân xã Nhơn Hải thu hoạch hành tím.

Ông Phạm Khắc Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Với diện tích khoảng 200 ha, cây hành tím là cây trồng chủ lực tại địa phương. Thông thường, 1 năm có thể sản xuất 4 vụ hành, năng suất cao nhất có thể đạt trên 2 tấn/sào. Trên 70% hành củ sau thu hoạch được bà con nhập kho để làm giống, bán cho các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh.

Hành tím, tỏi sau khi thu hoạch phải bảo quản trong kho ít nhất 2 tháng để vỏ ốp lại thì mới bán giống được, do vậy, thời gian lưu kho quyết định chất lượng giống hành, tỏi. Nếu trong giai đoạn này mà củ bị nhiễm sâu bệnh thì không chỉ làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng đến giá bán. Theo kinh nghiệm, bà con nông dân xử lý củ hành, tỏi bằng hỗn hợp Sherpa, Rothane, Hopsan và tro bếp, sau đó nhập kho. Với cách làm này, cộng với nhà kho truyền thống (không có quạt thông gió, kệ đặt sát mặt đất, phủ bạt ni-lông trên mặt đống hành, tỏi), củ hành, tỏi thường bị mọt, sâu đục củ, mốc đen, mốc xanh, thối củ… với tỷ lệ thất thoát khoảng 20%.

Năm 2011 - 2012, một số hộ trên địa bàn tham gia mô hình thí điểm “Nâng cao chất lượng củ hành tím bằng kỹ thuật trồng, xử lý và bảo quản trước và sau thu hoạch” thuộc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tạo được sự chú ý của các hộ dân khác. Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, mô hình còn đặc biệt chú trọng đến công đoạn bảo quản sau thu hoạch. Củ hành, tỏi sau khi phơi khô được xử lý phun ướt bằng hỗn hợp dung dịch Vertimec và Kocide, sau đó phơi cho ráo chùm củ rồi nhập kho; nhà kho thiết kế 2 ngăn chứa, cách mặt đất 15 cm, có hệ thống quạt thông gió. Với cách làm này, tỷ lệ hư hại sau thu hoạch chỉ ở mức trên dưới 5%.

Đầu tư xây dựng nhà kho có sức chứa 20 tấn hành củ, chị Phạm Thị Phượng, thôn Mỹ Tường 2, cho biết: Ngoài bảo quản hành củ của gia đình, tôi còn thu mua hành của các hộ nông dân khác. Với nhà kho đạt yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm, hành giống bảo quản được lâu và ít hư hại hơn nên khi giá hành xuống thấp, tôi có thể lưu kho lâu hơn trước đây.

Ông Trịnh Văn Tánh, thôn Mỹ Tường 1, cho biết: Thấy các hộ khác làm hành đạt năng suất cao, tôi cũng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, làm theo, thấy sâu bệnh giảm đáng kể, chi phí đầu tư cũng ít hơn vụ trước. Vụ hành này không chỉ được mùa mà còn trúng giá nữa. Hiện tại, giá hành củ thương phẩm gần 20.000 đồng/kg, hành giống thì có giá trên dưới 50.000 đồng/kg.

Việc thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học- kỹ thuật trong nông nghiệp đang dần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, cả trong quy trình chăm sóc và bảo quản, nâng cao hiệu quả sản xuất. Triển khai từ tháng 12-2012 tại xã Nhơn Hải “Mô hình sản xuất tỏi theo hướng an toàn” do Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Phát triển công nghệ (Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) thực hiện đã thu hút 80 hộ dân tham gia. Từ chỗ sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học, nông dân chuyển sang dùng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, vừa tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao, lại tăng sức đề kháng cho cây trồng, bảo vệ môi trường và nông sản có tính an toàn cao.