Xu hướng không thể đảo ngược
Ngày 26/3/2013, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, giờ đây chúng ta bắt đầu việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo xu thế chung của thế giới. Truyền hình là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội và được nhân dân sử dụng một cách phổ biến. Số lượng người sử dụng còn nhiều hơn cả viễn thông. Việc áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng số hóa và số lượng dịch vụ có ý nghĩa rất lớn trong toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án số hóa
truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
“Xu hướng số hóa khâu truyền dẫn phát sóng là xu thế phổ biến trên toàn thế giới và là xu hướng không thể đảo ngược trong tình hình CNTT ngày càng phát triển. Rất nhiều nước đã chuyển đổi thành công sang truyền hình số và ngừng phát sóng tương tự trên toàn quốc. Điều này mang lại diện mạo mới cho truyền hình mặt đất với nhiều kênh truyền hình chất lượng tốt hơn so với truyền hình tương tự và đóng góp ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và nhu cầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ. Mục đích là nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh, chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
Đề án số hóa còn từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (như HDTV, 3DTV,…); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, mục tiêu cụ thể của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân số. Đến năm 2020, đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.
Nhà nước sẽ hỗ trợ thiết bị cho dân nghèo
Vẫn theo ông Đoàn Quang Hoan, số hoá truyền hình không chỉ là chuyện chuyển đổi công nghệ vì nó ảnh hưởng đến toàn xã hội. Việc chuyển đổi này không chỉ là sự đầu tư của doanh nghiệp, mà người dân sẽ phải đầu tư thêm bộ giải mã số. Đối với những hộ nghèo, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ các thiết bị (dự kiến sẽ hỗ trợ người dân mua bộ giải mã số từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích và tiền thu được từ việc đấu giá tần số trong thời gian tới).
Ông Đoàn Quang Hoan cho hay, theo quy hoạch các đài truyền hình tập trung làm nội dung và sẽ có các công ty khác thực hiện truyền dẫn phát sóng. Vì vậy, các đài truyền hình phải sắp xếp lại bộ máy từ bây giờ để chuẩn bị cho mô hình mới. Việc tắt truyền hình anolog để chuyển sang số không phải là riêng rẽ mà phải có lộ trình phát song song để người dân chuyển đổi. Theo lộ trình, đến năm 2015 sẽ dừng phát truyền hình analog tại 5 thành phố lớn, do đó các đài truyền hình phải phát song song analog và truyền hình số từ năm 2014.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: từ tháng 6/2013, các đài địa phương phải báo cáo với lãnh đạo tỉnh là sẽ tham gia Đề án số hóa này như thế nào (phương án triển khai, kế hoạch hợp tác...). Sau đó, các UBND tỉnh, Sở TT&TT, Đài PTTH các tỉnh nên có phiên họp chuyên đề bàn về những khó khăn, giải pháp, hợp tác tham gia Đề án để trình Bộ TT&TT. Từ tháng 6 đến tháng 9/2013, Ban chỉ đạo Đề án số hóa rà soát đăng ký của các địa phương để cuối năm trình quy hoạch về truyền dẫn phát sóng.
Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đề nghị UBND các tỉnh tập trung xây dựng phương án đổi mới sản xuất kinh doanh của các Đài PTTH, sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn phát sóng của các Đài PTTH trong cả nước và khu vực để báo cáo Bộ TT&TT. Bộ TT&TT xem xét việc cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng PTTH trên cả nước và khu vực dựa trên cơ sở các phương án, đề án của các tỉnh đã báo cáo. Các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ TT&TT tiếp tục xây dựng cơ chế tài chính, chính sách, giải pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu tư, thiết bị truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất.
Đối với các doanh nghiệp hạ tầng truyền dẫn phát sóng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị các đơn vị, đặc biệt là 3 đơn vị lớn VTV, VTC, AVG đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ. Theo Thứ trưởng, trước mắt cần tập trung thực hiện số hóa truyền hình ở một số địa phương trong 5 tỉnh Trung ương và một số tỉnh để rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai tại các tỉnh khác. Đề nghị các tỉnh tùy theo điều kiện của mình có thể đăng ký tham gia vào kế hoạch số hóa trước thời điểm trong quy hoạch đã đề xuất.
Lộ trình số hóa truyền hình đến năm 2020Theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo (tiêu chuẩn truyền hình số Châu Âu); áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.
Kế hoạch số hóa truyền hình được thực hiện theo 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh thành trên cả nước Cụ thể là:
Giai đoạn I: áp dụng với 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội (cũ), TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; dự kiến sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.
Giai đoạn II: áp dụng với 26 tỉnh gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.
Giai đoạn III: áp dụng với 18 tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2018.
Giai đoạn IV: áp dụng với các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lawsk, Đắk Nông; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.
Nguồn ICTnews