Khai thác quặng Titan, cần gắn với bảo vệ môi trường

(NTO) Là tỉnh có nhiều lợi thế về quặng Titan vùng ven biển, tỉnh ta đã chấp thuận chủ trương cho 6 doanh nghiệp thăm dò, khai thác loại khoáng sản này. Việc khai thác, chế biến sao cho hiệu quả và không ảnh hưởng tới môi trường là điều đáng quan tâm nhất hiện nay.

Theo kết quả điều tra tiềm năng sa khoáng của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, Ninh Thuận là một trong những tỉnh có trữ lượng quặng titan lớn nhất cả nước với diện tích 43,45 km2, tiềm năng khoảng 17 triệu tấn. Phân bổ chủ yếu tại các dải đồi cát ven biển thuộc huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Trong diện tích có phân bố quặng titan, Chính phủ và UBND tỉnh dự kiến quy hoạch các dự án điện hạt nhân, điện gió, khu du lịch và các dự án xây dựng hạ tầng khác của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025 để sớm giải phóng mặt bằng đưa vào thực hiện các dự án.

 
Điểm khai thác quặng Titan của Công ty Quang Thuận trên địa bàn thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh

Nhằm thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng titan có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành tiêu chí lựa chọn và các yêu cầu đối với nhà đầu tư. Mục đích là lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, quyết tâm để khai thác nhanh, hiệu quả và gắn với chế biến sâu tại tỉnh, tránh tình trạng xuất khẩu thô và nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép khai thác cho Công ty Cổ phần khoáng sản Sài Gòn – Ninh Thuận (từ tháng 6-2011) với diện tích 1.132,5 ha, trữ lượng 3.929.464 tấn, công suất khai thác 199.500 tấn/năm, thời gian khai thác 24 năm. UBND tỉnh cũng đã cấp giấy phép khai thác cho 2 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Ninh Thuận từ tháng 4-2011, với diện tích 8 ha, trữ lượng 5.670 tấn, công suất khai thác 1.260 tấn/năm, thời gian khai thác 5 năm và Công ty TNHH Một thành viên Quang Thuận Ninh Thuận được cấp phép khai thác từ tháng 6-2012, với diện tích 83,7 ha, trữ lượng 254.800 tấn, công suất khai thác 74.883 tấn/năm, thời gian khai thác 4 năm.

Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Ninh Thuận khai thác được 930 tấn quặng và Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Ninh Thuận đang tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng (được 207ha/1.132,5 ha) để thuê đất khai thác. Riêng Công ty TNHH MTV Quang Thuận Ninh Thuận (khai thác titan trong phạm vi dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra (vào ngày 16-11-2012), qua kiểm tra cho thấy Công ty đã tiến hành khai thác nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất theo quy định (mặc dù đã tự thỏa thuận chuyển nhượng và thuê mặt bằng đất của dân) và đã tự ý khai thác nước dưới đất để phục vụ khai thác tuyển quặng, dẫn đến hụt nguồn nước tại một số giếng của người dân gần khu vực khai thác. Các vi phạm này, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, hiện nay vẫn đang tạm dừng khai thác để hoàn tất các thủ tục.

Theo ông Lê Huyền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Khó khăn của các doanh nghiệp khai thác titan trên địa bàn tỉnh là việc giải phóng mặt bằng để khai thác và nguồn nước để phục vụ khai thác. Về giải phóng mặt bằng, diện tích mỏ của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác titan có một phần là đất trống do Nhà nước quản lý, phần còn lại là đất rừng và đất nông nghiệp của nhân dân đang xản xuất. Theo quy định của Luật đất đai, sau khi được cấp phép khai thác, các doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất hoặc cho phép tự thỏa thuận bồi thường.

Đối với trường hợp cho phép tự thỏa thuận bồi thường, UBND tỉnh đã giao cho Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam và Ninh Phước chỉ đạo các xã Phước Dinh, Phước Hải và An Hải phối hợp với các doanh nghiệp trong việc xác định nguồn gốc đất; vận động các hộ có đất trong phạm vi dự án thỏa thuận để nhà đầu tư có được mặt bằng triển khai dự án trong thời gian sớm nhất. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, hướng dẫn doanh nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục thỏa thuận bồi thường và lập thủ tục cắm mốc bàn giao đất tại thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Về nguồn nước, do khai thác, chế biến titan cần rất nhiều nước, trong khi đó khu vực có phân bố quặng titan lại rất khó khăn về nguồn nước (đặc biệt là nước ngầm). Do đó để đảm bảo khai thác, không gây tác động xấu đến môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nước mặt là chủ yếu.

Việc khai thác, tận thu khoáng sản quặng Titan trên diện tích đất sẽ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm là điều rất cần thiết và khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, cần có sự quản lý chặt chẽ, cũng như có những giải pháp hợp lý, khả thi để lợi ích kinh tế và bài toán môi trường không trở nên mâu thuẫn. Nhất là đảm bảo được sự ổn định về đời sống và sinh hoạt của người dân trong vùng dự án.